Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cho biết, sau khi cấp phép, doanh nghiệp cần khoảng 1 năm để triển khai đầu tư. Do đó, thời điểm sớm nhất để dịch vụ 4G có thể đến tay người dùng là vào năm 2018.

Phát biểu tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Cục Tần số vô tuyến điện sáng nay, 6/5, ông Hoan cho biết hiện Cục đã trình dự thảo Hồ sơ mời thầu, tuy nhiên theo Quy định, Hội đồng đấu thầu mới là đơn vị trình hồ sơ mời thầu. Do đó, việc sớm thành lập Hội đồng là rất cần thiết, ông Hoan nêu rõ. Cũng theo phân tích của vị Cục trưởng Cục Tần số VTĐ thì nếu cấp phép 4G trong năm nay, doanh nghiệp viễn thông phải cần khoảng 1 năm để triển khai đầu tư. Do đó, thời điểm cung cấp dịch vụ ra thị trường sớm nhất cũng là năm 2018.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng quà lưu niệm cho Cục Tần số vô tuyến điện. Ảnh: T.C.

Bên cạnh việc đề xuất sớm triển khai đấu giá băng tần 4G, ông Hoan cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai thành công Đề án số hóa truyền hình. Sau khi số hóa toàn quốc, Việt Nam sẽ giải phóng được băng tần 700 MHz đang dành cho truyền hình. Chính phủ có thể tiến hành đấu giá băng tần 700 MHz để các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ 4G tại nông thôn với giá rẻ.

Liên quan đến đề xuất này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Cục Tần số và Cục Viễn thông cập nhật thực tế quốc tế về việc cấp phép 4G cũng như cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam, xem xét nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. "Thời điểm và phương thức cấp phép cần đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và huy động được nguồn lực xã hội lớn", Bộ trưởng nêu tinh thần.

Quản lý tần số rất quan trọng

Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị đầu tiên thuộc Bộ được Bộ trưởng tới làm việc trong chương trình công tác của nhiệm kỳ mới.

Trước đó, báo cáo sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ và tình hình hoạt động của Cục, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết đơn vị được thành lập ngày 8/6/1993, chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Trong thời gian qua, Cục đã ấn định và cấp phép băng tần cho MobiFone, Vinaphone, Viettel, Sphone, Hà nội Telecom, EVN Telecom và cho G-Tel Mobile để phát triển các hệ thống thông tin di động 2G và 3G; Cấp phép điện tử cho các doanh nghiệp viễn thông và PTTH như: Viettel, MobiFone, Hanoi Telecom, GTel Mobile, Đài THVN, Công ty VTC, Công ty AVG.

Trung bình hàng năm, Cục xử lý thành công hơn 600 vụ vi phạm thông tin và gần 70 vụ kháng nghị nhiễu, trong đó có nhiều vụ nhiễu phức tạp liên quan đến an ninh, quốc phòng. Từ năm 2010, Cục tập trung xử lý can nhiễu mạng thông tin di động 3G trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục hiện là đầu mối thường trực triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất và đang xúc tiền nhiều đầu việc quan trọng để chuẩn bị tắt sóng mềm tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định công tác quản lý tần số có vai trò rất quan trọng, không chỉ trong phát triển thị trường viễn thông nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung mà còn có ý nghĩa rất lớn trong an ninh, quốc phòng. Là đơn vị đầu mối của Bộ trong việc quản lý tần số, Cục Tần số vô tuyến điện đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống chính sách quy hoạch, tham mưu cho Bộ TT&TT cũng như Chính phủ các chính sách về tần số một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, Cục cần tiếp tục hoàn thiện chính sách hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, nhất là phối hợp với Bộ NN&PTNT đảm bảo tần số liên lạc cho các tàu đánh cá xa bờ của ngư dân.

"Cục cần tiếp tục tham mưu, duy trì tốt hoạt động của Ủy ban Tần số Quốc gia, phục vụ tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, hàng không... đảm bảo cả hoạt động dân sự lẫn quốc phòng", Bộ trưởng chỉ đạo.

Ông cũng đánh giá cao các hoạt động hợp tác quốc tế của Cục Tần số, điển hình như phối hợp vị trí quỹ đạo cho các vệ tinh VINASAT-1, VINASAT-2 và Vệ tinh Viễn thám VNREDSAT-1, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có cả vệ tinh viễn thông và vệ tinh viễn thám trong không gian. "Cục Tần số đã thể hiện rõ bản lĩnh trong hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tần số, nâng cao vị thế cho Việt Nam trên phương diện này", Bộ trưởng ghi nhận.

Nhận xét mô hình hoạt động của Cục đặc biệt phù hợp với quan điểm coi quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ quản lý công, Bộ trưởng yêu cầu Cục tiếp tục tích cực cung cấp các dịch vụ công qua mạng, công khai, minh bạch hóa các quy trình thủ tục, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý can nhiễu trên website Cục cũng như website Bộ để định hướng cho người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ đúng pháp luật.

Đối với đề án số hóa truyền hình, Bộ trưởng nhất trí với quyết tâm của Cục Tần số và khẳng định, việc triển khai Đề án cần chặt chẽ, hiệu quả, tránh lùi thời điểm nhiều lần, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Tới đây, Thứ trưởng Phan Tâm sẽ làm việc với UBND TP.HN về việc hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn để có thể kịp tắt sóng mềm 4 TP lớn trực thuộc Trung ương từ 15/6 như dự kiến.

T.C