- Giá như Dương Chí Dũng dám chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội của mình, giá như cựu đại tá công an không quá yếu mềm trước anh trai. Có quá nhiều điều giá như cho gia đình giàu truyền thống của Dương Tự Trọng để không phải gánh kết cục buồn như ngày hôm nay.

CLip: Lời cuối cùng xúc động của Dương Tự Trọng

"Xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ" - bị cáo Dương Tự Trọng nói lời cuối cùng vào chiều 22/5.

Ngoan ngoãn vâng lời

Hầu tòa lần hai, bị cáo Dương Tự Trọng có phần “cởi mở” hơn so với phiên sơ thẩm. Bị cáo trả lời đầy đủ những câu hỏi của HĐXX, không né tránh, “ngoan cố” như trước.

Theo lời khai của bị cáo Trọng tại tòa, ngay từ đầu ông ta không đồng ý với phương án bỏ trốn của anh trai, nhưng vì cản anh không được, lại quen với nếp sống trong một gia đình Nho giáo, khi anh trai nói “không bàn cãi”, phận làm em, cộng với tình cảm dành cho anh, ông Trọng đành vâng lời.

{keywords} 
Dương Tự Trọng trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 22/5. (Ảnh: T.Nhung)

Tôi bảo anh Dũng, nếu anh đi thì còn bố mẹ, còn em, anh ấy bảo là anh Ngọ đã bảo thế rồi, hơn nữa tôi là em, gia đình nhà tôi là gia đình Nho giáo, tôi phải nghe, không bàn cãi nữa”, lời khai của ông Trọng tại tòa.

Buổi chiều hôm Dương Chí Dũng nhận được “mật báo” phải lánh đi một thời gian, ông Trọng đã biết có chuyện xấu nên dặn anh: “Có gì thì gọi cho em đỡ sốt ruột”.

Cuối giờ chiều hôm đó, không thấy anh trai gọi lại, ông Trọng gọi điện cho Dương Chí Dũng thì được anh trai cho biết, ông ta sẽ bị bắt.

Lúc đó tôi sốc hoàn toàn. Đầu tiên là thương anh, thương bố mẹ. Tôi bảo anh, nếu anh đi, còn bố mẹ, còn em thì sao, anh ấy bảo là anh Ngọ đã bảo thế rồi”, ông Trọng khai.

Và trong khoảnh khắc nhận tin anh trai sẽ bị bắt, ông Trọng đã cho vời người bạn chí cốt, thuộc cấp, những người mà theo lời ông ta là “thân thương như ruột thịt, những người tôi quý nhất” đến để giúp Dương Chí Dũng.

Mặc dù ý thức được việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài là nặng tội, nhưng vì sợ rằng, nếu để anh trai đi một mình sẽ rơi vào tay bọn giang hồ, ông Trọng đã tổ chức một đường dây giúp anh trai trốn ra nước ngoài.

Nghĩ đến anh mà trào nước mắt

Để có tiền đưa anh trai đi trốn, ông Trọng khai đã phải về nhà gom tiền của tất cả người thân trong gia đình.

Trong quá trình tổ chức đưa anh trai trốn ra nước ngoài, trên đường vào TP.HCM, thương anh, ông Trọng đã không cầm được nước mắt.

{keywords}

Dương Tự Trọng quay xuống nói chuyện với anh trai trước khi phiên tòa diễn ra ngày 22/5. (Ảnh: T.Nhung)

Bị cáo này nói: “Khi đi Sài Gòn, tôi nằm khóc suốt vì thương anh Dũng”.

Dương Tự Trọng không một lời nói mình đã phạm sai lầm, nhưng Dương Chí Dũng không ít lần nói về sự hối hận của mình khi đã quyết định bỏ trốn.

Giá như Dương Chí Dũng dám chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội của mình, giá như cựu đại tá công an không quá yếu mềm trước anh trai. Có quá nhiều điều giá như cho gia đình giàu truyền thống của Dương Tự Trọng để không phải gánh kết cục buồn như ngày hôm nay.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng: Bị cáo Trọng là người chủ mưu, cầm đầu, dù là cán bộ cao cấp đã nhiều năm công tác phòng chống tội phạm, nhưng khi biết anh trai phạm tội và đang có ý định trốn đi nước ngoài, bị cáo đã không suy xét, xử lý tình huống đúng pháp luật.

Hành vi đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài của các bị cáo là nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi điện thoại để liên lạc, mỗi bị cáo được giao từng phần việc, nhưng đã kết hợp chặt chẽ với nhau.

Các các bộ công an đã sử dụng nghiệp vụ công an để thực hiện hành vi phạm tội. Cán bộ công an còn câu kết với các đối tượng bị truy nã để thực hiện hành vi trái pháp luật. Điều này thể hiện sự tha hóa của các cán bộ công an.

Đưa ra những nhận định trên, nhưng VKS cho rằng, bị cáo Trọng đã thành khẩn khai báo trong phiên phúc thẩm, đây là tình tiết giảm nhẹ phát sinh, cần áp dụng giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Chiều 23/5, số phận của ông Dương Tự Trọng sẽ được HĐXX cấp phúc thẩm định đoạt.

T.Nhung