Người dân cố tìm cách chặn 3 xe cứu thương để chở nạn nhân đi cấp cứu nhưng đã bị tài xế phớt lờ, bỏ mặc.

Tính đến ngày 20/4, vụ xe khách đâm xe bồn trên cao tốc Trung Lương, đoạn qua xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang) vào sáng 16/4 đã làm 7 người tử vong, trong đó có 2 hành khách nước ngoài.

Liên quan đến vụ tai nạn, nhiều nhân chứng cho biết, họ đã cố tìm cách chặn các xe ô tô chạy trên đường trong đó có cả xe cứu thương nhưng không xe nào chịu dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Thông tin này đang khiến dư luận hết sức bức xúc.

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn.

Trên Dân trí, anh Hoàng - nhà ở gần nơi xảy ra tai nạn cho biết, sau khi dùng xà beng phá cửa đưa các nạn nhân ra ngoài, anh và một số người đã chặn 2 xe cấp cứu lại nhưng họ chỉ nhìn rồi đi thẳng.

Đến chiếc xe cấp cứu thứ 3 hiệu Toyota, BKS 63M-000.16, sau khi bị chặn lại, tài xế có dừng lại nhưng rồi lại nhấn ga vọt đi.

Được biết chiếc xe cấp cứu nói trên là của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tài xế điều khiển là Đỗ Văn Mười. Thời điểm đó, xe đang chở một bệnh nhi bị bỏng đi Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Trả lời trên Tuổi trẻ, ông Ngô Văn Tỉ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã xác nhận việc xe cứu thương của trung tâm không hỗ trợ người bị nạn. Tài xế Mười đã có bản tường trình.

Theo ông Tỉ, khi tài xế Mười dừng xe, đã thuyết phục người nhà bệnh nhi trên xe cho chở thêm 1-2 nạn nhân bị tai nạn đi cấp cứu nhưng họ nhất quyết không cho nên anh đành phải cho xe đi tiếp.

Theo quy định của Luật giao thông, khi gặp tai nạn, bất kỳ phương tiện nào lưu thông trên đường cũng phải dừng lại hỗ trợ cứu người gặp nạn trong điều kiện có thể.

Liên quan đến vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Tiền Giang khẩn trương làm rõ nguyên nhân để xử lý, rút kinh nghiệm.

Điều tra bước đầu cho thấy, tài xế xe khách đã không làm chủ tốc độ, không xử lý tình huống kịp thời khiến chiếc xe khách mất lái, đâm thẳng vào xe bồn tưới cây.

3 công nhân trên chiếc xe bồn chỉ bị thương nhẹ, đang điều trị tại Bệnh viện Tiền Giang.

Việc dùng xe bồn tưới cây trên cao tốc, trao đổi với Zing, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông khẳng định, đây là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

"Về mặt nguyên tắc, trên cao tốc không cho phép xe có tốc độ thấp chạy, trên thế giới cũng vậy. Vì nếu cho xe tốc độ chậm chạy thì sẽ cản trở những xe có tốc độ cao và gây ra tai nạn là điều đương nhiên....

Bản thân cao tốc là không cho những xe đứng yên hoặc chạy chậm, nếu trong trường hợp bất khả kháng, người ta sẽ làm rào chắn báo hiệu và di dời ngay sau đó", TS Phạm Sanh cho biết.

Ở hầu hết các nước, họ không dùng xe bồn tưới nước, thay vào đó là hệ thống tưới tự động. Tưới bằng xe bồn, không những tốn nước mà còn gây cản trở giao thông.

Trên thực tế tại Việt Nam, việc quy định khai thác, bảo trì với từng tuyến đường cao tốc mới chỉ dừng lại ở việc quy định người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc phải có phù hiệu, không gây cản trở giao thông...  mà không hề quy định tốc độ của các phương tiện, thiết bị này.

Các doanh nghiệp quản lý đường cao tốc tại Việt Nam tự xây dựng các quy định riêng để bảo dưỡng đường. Nghị định về quản lý khai thác và bảo trì đường cao tốc mới đang được Bộ GTVT xây dựng.

Trên Thanh niên, PGS-TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, trong vụ tai nạn này, trách nhiệm trước hết thuộc về người lái xe bồn và DN đã cho phép xe chạy với tốc độ chậm trên làn 100 km/giờ, bởi luật đã quy định tất cả các phương tiện lưu thông trên đường phải chạy đảm bảo tốc độ, không được di chuyển chậm.

Đ.Tâm (tổng hợp)