- Không có bằng chứng nào cho thấy máy bay MH370 (Malaysia) đã vượt qua điểm chuyển giao IGARI để phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm trên vùng trời do Việt Nam quản lý.

>>Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích bí ẩn

Cục trưởng Cục Hàng không VN  Lại Xuân Thanh cho biết xung quanh cáo buộc của Tổng Giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia (DCA) hôm 2/5 khi cho rằng các nhà điều khiển không vận Việt Nam đã vi phạm thông lệ về chuyển giao không vận, khi chỉ tìm hiểu về MH370 sau 17 phút máy bay biến mất khỏi màn hình radar dân sự vào ngày 8/3.

{keywords}

Theo đại diện Cục hàng không, Cơ quan không lưu của hai bên đã hiệp đồng thời điểm chuyển giao là 17h22 (giờ quốc tế) nhưng đến 17h20 phút 43 giây, tín hiệu rada của tàu bay đã bị mất trên màn hình của Đài kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh).

Malaysia cũng ghi nhận thời điểm cuối cùng có tín hiệu tàu bay trên màn hình radar là trước 17h22 phút. Khi đó, máy bay đang ở trong vùng thông báo bay của Singapore và được Singapore uỷ quyền cho Malaysia điều hành.

Ông Thanh khẳng định, máy bay MH370 đã mất tín hiệu trước khi tới điểm chuyển giao và tổ bay chưa thiết lập liên lạc với cơ quan điều hành bay của Việt Nam do vậy việc chuyển giao chưa được hoàn tất. Việt Nam chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với chiếc máy bay MH370.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong trường hợp tàu bay đang bay tại vùng giáp ranh giữa các vùng thông báo bay mà bị mất tích thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về quốc gia có liên lạc cuối cùng với tàu bay.

Ở trường hợp máy bay MH370, ông Thanh khẳng định trách nhiệm khởi phát dịch vụ báo động và tìm kiếm cứu nạn trước hết thuộc về Malaysia, mọi thông tin về việc không thiết lập được liên lạc với MH370 đã được kiểm soát viên không lưu thông báo với ACC Kuala Lumpur ngay trong giai đoạn hồ nghi. 

Về việc DCA cho rằng Việt Nam đã thông báo chậm 12 phút theo thông lệ quốc tế, ông Thanh thừa nhận có sự chậm trễ của cơ quan không lưu Việt Nam, bởi theo thoả thuận thư giữa hai cơ quan không lưu, nếu máy bay mất tín hiệu thì ACC Hồ Chí Minh phải thông báo cho phía Malaysia chậm nhất sau 5 phút, nhưng Việt Nam đã mất 17 phút mới ra được thông báo này. Đây là một vấn đề cần rút kinh nghiệm.

“Chúng tôi đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về không lưu và tìm kiếm cứu nạn trong vụ việc này, ngoài việc thông báo chậm 12 phút thì ACC Hồ Chí Minh đã thực hiện đầy đủ quy trình dịch vụ báo động.

Ngay sau khi mất tín hiệu của chiếc MH370, ACC Hồ Chí Minh đã cố gắng thiết lập liên lạc với tổ bay nhưng không được. Cơ quan không lưu đã sử dụng các tần số khẩn nguy, yêu cầu tổ lái của các tàu bay khác hỗ trợ tìm kiếm và liên lạc với tổ bay MH370 nhưng đều không được.

Khi hết giai đoạn hồ nghi, ACC Hồ Chí Minh  đã chuyển sang giai đoạn báo động và liên lạc với các cơ quan kiểm soát vùng thông báo bay lân cận để tìm kiếm tàu bay mất tín hiệu. Việt Nam đã hoàn thành các trách nhiệm của một quốc gia điều hành vùng thông báo bay có khả năng chiếc MH 370 bay vào. Đặc biệt, Việt Nam đã rất chủ động, nỗ lực tìm kiếm trong giai đoạn đầu, điều này đã được cộng đồng hàng không thế giới đánh giá cao” - ông Thanh cho hay.

Theo ông Lại Xuân Thanh, việc thông báo chậm 12 phút không ảnh hưởng nhiều tới việc tìm kiếm chiếc tàu bay. Bởi phải 4 tiếng sau khi nhận được thông báo chính thức từ ACC Hồ Chí Minh về việc không nhận được tín hiệu tàu bay MH370, cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Malaysia mới chính thức phát đi yêu cầu tìm kiếm chiếc tàu bay mất tích.

Sau đó 1 giờ, Việt Nam mới chính thức nhận được thông tin của Malaysia phát đi điện văn thông báo về việc tìm kiếm cứu nạn với tàu bay MH370 tới các cơ quan hàng không của các nước liên quan. 

Trước đó, ngày 8/3, chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 239 hành khách cùng thành viên phi hành đoàn cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bất ngờ mất tín hiệu gần 1 tiếng sau đó. Thời điểm máy bay mất tín hiệu được xác định là trước khi vào không phận Việt Nam.

Vũ Điệp