Trước thực trạng hạng mục công trình kè kênh Bến Tre bị sạt trượt, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã xây dựng phương án bổ sung giải pháp kè chống sạt trượt trình phê duyệt.

Tác động của thiên tai và địa chất phức tạp

Ngày 22/9, PV ghi nhận khu vực kè kênh Bến Tre xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có hiện tượng sụt lún ven sông Bến Tre. Hiện kênh Bến Tre phía trái thượng lưu cầu Cẩm Trạch có sụt lún dài khoảng 30 m, bên phải hạ lưu có chiều dài khoảng 60 m, bên trái hạ lưu có chiều dài khoảng 26 m. Vị trí sạt trượt phía bên trái thượng lưu và bên phải hạ lưu là đất thổ cư của dân xã Đạo Tú, huyện Tam Dương.

Theo người dân nơi đây, việc sụt lún xuất hiện từ vài năm nay và gia tăng sau mỗi lần mưa bão.

{keywords}

Khu vực kênh Bến Tre phía thượng lưu cầu Cẩm Thạch bị sụt lún do cấu tạo địa chất phức tạp lại chịu tác động của mưa bão trong nhiều năm

Ông Dương Thế Quyền, Phó giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết hạng mục kè kênh Bến Tre thuộc dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.310 (TL316 cũ) đoạn từ Đại Lải (Km14+500 ĐT.301) đến QL2C (Đạo Tú) do Sở GTVT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư; nhà thầu thi công là Xí nghiệp xây dựng Tiến Thắng. Công trình được thi công từ tháng 11/2011 và đến tháng 10/2012, phần kè mái kênh Bến Tre thi công đạt khoảng 50% khối lượng công trình.

“Đúng vào thời điểm đang thi công kè mái kênh thì trên địa bàn tỉnh diễn ra cơn bão số 8 (vào cuối tháng 10/2012) gây ngập úng toàn bộ phần kè mái kênh Bến Tre. Phần đất mái kè bị ngấm nước lâu ngày, kết hợp với tải trọng các tấm xi măng gia cố làm sạt trượt phần kè thượng lưu bên trái và hạ lưu bên phải tuyến”, ông Quyền nhớ lại.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt trượt, ngày 13/11/2012, đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA công trình giao thông) đã làm việc với đơn vị Bảo hiểm công trình là Công ty Bảo Minh Vĩnh Phúc. Sau khi kiểm tra hiện trường, Công ty Bảo Minh xác định trách nhiệm bảo hiểm rủi ro về xây dựng và được Công ty giám định RACO xác định nguyên nhân gây sạt trượt là do ảnh hưởng của cơn bão số 8, mưa kéo dài làm cho nền đất trên mái kè ngấm nước, giảm độ dính kết dẫn tối hiện tượng sụt lún, đẩy mái kè trượt xuống. Đến ngày 26/12/2012, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công tiếp tục kiểm tra hiện trường, thống nhất cần phải khoan khảo sát địa chất để xác định chiều dài lớp đất yếu và mặt trượt.

Ông Dương Thế Quyền cho hay, nguyên nhân chính của việc sạt trượt là do ảnh hưởng của mưa bão, gặp nơi nền đất rất yếu, vô cùng phức tạp. Thời điểm xảy ra cơn bão số 8, công trình kè khu vực chợ Đạo Tú do UBND xã Đạo Tú làm chủ đầu tư gần khu vực kè kênh bến Tre cũng xảy ra hiện tượng sạt lở tương tự. Còn khu vực thôn Cẩm Trạch gần kênh Bến Tre và các công trình kè kênh Bến Tre khu vực thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú cũng thường xuyên xảy ra sạt lở từ nhiều năm nay.

“Sau đó, kết quả khoan khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia cũng như ý kiến của các ngành cũng cho thấy, nền địa chất ở đây yếu và có biến đổi phức tạp”, ông Quyền cho biết.

Tiếp sau đó, đến tháng 9/2014, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mưa liên tục và kéo dài, tiếp tục gây sạt trượt mái kênh phần hạ lưu kênh bên trái tuyến, càng thêm khẳng định việc sạt trượt do ảnh hưởng của thiên tai gặp đúng vị trí nền địa chất rất yếu, biến đổi phức tạp, cần phải giải pháp khắc phục kịp thời.

Hai phương án xử lý

Tháng 9/2014, Sở GTVT có văn bản báo cáo UBND tỉnh sự cố kè kênh Bến Tre và được UBND tỉnh giao cho Sở KH&ĐT chủ trì cùng các ngành kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục. Sau đó, trên cơ sở kết quả khoan khảo sát địa chất và ý kiến thống nhất của các ngành, Sở KH&ĐT đã có báo cáo UBND tỉnh đề xuất kè chống sạt trượt kênh Bến Tre. Đề xuất này được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 6648/UBND-NN1 ngày 03/11/2014.

{keywords}

Phía đầu cầu Cẩm Trạch bắc qua kênh Bến Tre bị ảnh hưởng của sụt lún.

“Ngay khi UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA công trình giao thông Vĩnh Phúc yêu cầu tư vấn thiết kế nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật chống sạt trượt bờ kênh Bến Tre đảm bảo hợp lý, ổn định, tiết kiệm và hiệu quả kinh tế để trình duyệt theo quy định. Tuy nhiên, do các thủ tục thẩm tra, thẩm định và cấp phê duyệt có sự thay đổi khi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành, nên việc bổ sung giải pháp kè chống sạt trượt kênh Bến Tre đến nay đang trình phê duyệt, đã được Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - Bộ GTVT thẩm tra hồ sơ thiết kế”, ông Quyền giải thích.

Theo ông Đinh Công Giang, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông Vĩnh Phúc, đến nay đơn vị đã đưa ra hai giải pháp xử lý kỹ thuật cho tình trạng sạt lở kênh Bến Tre, theo đó phương án 1 sẽ sàn giảm tải trên nền cọc khoan nhồi D=0,8m; Phương án 2 sẽ làm tường chắn bê tông cốt thép trên nền cọc khoan nhồi D=0,8m.

“Giám đốc Sở GTVT tỉnh đã cương quyết chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 10/2015 làm cơ sở triển khai thực hiện; đồng thời yêu cầu Ban QLDA và nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục việc sạt lở kè kênh Bến Tre và các hộ dân khu vực xung quanh”, ông Đinh Công Giang cho biết.

“Việc kênh Bến Tre bị sạt lở là do ảnh hưởng của cấu tạo địa chất yếu, biến động phức tạp và đặc biệt tác động của thiên tai. Đến nay, Công ty bảo hiểm vẫn chưa chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại sự cố sạt trượt mái kè do mưa bão cho nhà thầu thi công vì phần sạt trượt chưa được khắc phục”, ông Dương Thế Quyền, Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc nói.

(Theo Giao thông vận tải)