- Buổi sáng trước khi đi thi, chị bồi dưỡng thêm cho con bát phở 25 nghìn. Chị nói, đấy là lần đầu tiên con chị được ăn phở. 

Xuống Hà Nội con mới biết bát phở

Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1977, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cùng con là em Nguyễn Thế An xuống Hà Nội từ ngày 29/6, thuê phòng trọ ở gần điểm thi với giá 160 nghìn/2 mẹ con/ngày. 

Vợ chồng chị làm ruộng, trước ngày đi, chồng chị bán 2 tạ thóc được 1 triệu 140 nghìn, cộng với số tiền vay mượn họ hàng anh đưa hết cho vợ. Phòng trọ chị thuê còn có 2 gia đình nữa cũng đưa con đi thi đại học. Ba người mẹ nằm dưới đất nhường giường cho 3 người con.

“Phòng nhỏ nhưng cũng có quạt. Cháu nó ở nông thôn, khổ quen rồi nên nắng nóng thế này mẹ con tôi vẫn chịu được”, chị Hoa nói.

Ngày đầu tiên 2 mẹ con ăn cơm ở quán bình dân, buổi sáng chị bồi dưỡng thêm cho con bát phở 25 nghìn. Chị nói, đấy là lần đầu tiên con chị được ăn phở. “Ở quê, sáng ăn bát cơm nguội, bắp ngô, củ khoai…đi học chứ cả đời có biết bát phở ở ngoài quán nó thế nào đâu”.

{keywords}
 
Phiếu cơm trưa miễn phí của SVTN dành cho mẹ con chị Hoa 

Ngày thứ 2 chị được SVTN phát cơm miễn phí. Cầm trên tay 2 hộp cơm mang về phòng trọ chị vui sướng vì trưa nay mẹ con tiết kiệm được một khoản tiền. Lúc con vào nhà vệ sinh, chị lấy hai hộp cơm trút vào nhau và giấu đi một vỏ hộp. Lúc con tắm rửa xong chị bảo con ăn cơm. Nhìn hộp cơm đầy ụ con chị thắc mắc: 

- Cơm của mẹ đâu?

- Con ăn đi, lúc nãy mẹ ăn ở chỗ phát cơm rồi.

- Nãy con thấy mẹ cầm 2 hộp về mà?

- Không, mẹ cầm hộ bác đi cùng thôi.

Để con được no bụng hơn, người mẹ ấy đã nhường con suất cơm của mình. Cậu bé ăn cơm ngon lành, không biết rằng trưa đấy mẹ cậu đã nhịn.

Chị kể thêm: “Bạn ở cùng phòng của cháu được bố mẹ chăm sóc kỹ lắm. Bố mua 2 cái đùi gà về cho ăn nhưng cháu ấy không muốn ăn bèn cho con trai tôi 1 chiếc. Con tôi vui vẻ nhận rồi gửi vào tủ lạnh của chủ nhà.

Buổi chiều không có cơm miễn phí cháu bảo mẹ ra mua cơm trắng ở ngoài quán rồi về ăn với đùi gà cho đỡ tốn tiền. Làm gì cháu cũng biết tiết kiệm tiền cho bố mẹ”.

Lúc con vào phòng thi cũng không quên trấn an mẹ trời nắng về phòng nghỉ cho mát. Con thi xong sẽ tự về, nếu lạc đường sẽ gọi hỏi cô chủ phòng trọ.

Nhưng chị nói: "Không chỉ có mẹ mà hàng trăm, hàng ngàn phụ huynh khác cũng đang đứng đây chờ con. Thi xong không thấy mẹ ở ngoài này con lại tủi thân”.

Rồi vừa cười chị kể thêm, Hà Nội chỗ nào cũng giống nhau, 2 mẹ con chị có ra ngõ ăn cơm cũng bị lạc đường.

Con gái người chạy thận

Anh Bản (SN 1959, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đồng hành cùng 2 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Anh cho biết, một cháu là con anh, còn Bình (thí sinh còn lại) là con của hàng xóm. Bố Bình đang chạy thận ở BV Bạch Mai, mẹ cháu ở nhà làm nông nuôi 3 chị em nữa nên vất vả lắm.

Bố của Bình đang phải chống chọi với căn bệnh quái ác nhưng vẫn rất lo cho con. Anh Bản kể: “Trước hôm con thi không biết anh ấy vay mượn ở đâu được 5 trăm nghìn dúi vào tay tôi nói, ở Hà Nội tiêu chả được mấy, nhưng cứ nài tôi cầm cho anh vui. Sáng sớm nay, anh ấy cũng gọi điện, anh lo con gái ngủ quên dậy muộn lỡ giờ thi”.

Cô con gái cũng rất thương bố, anh Bản kể, vào quán cơm gọi suất 30 nghìn, Bình nhất định lắc đầu chỉ ăn suất 20 nghìn (suất thấp nhất ở quán).

“Để cháu đỡ tủi thân tôi gọi 2 suất 20 nghìn cho cả 2 cháu sau đó mua thêm đĩa thịt gắp cho mỗi cháu vài miếng ăn cho có sức thi” - anh Bản chia sẻ.

Anh nói thêm, sáng không thi nhưng cả 3 bố con anh trả phòng luôn, chờ chiều thi nốt rồi dắt nhau về luôn vì ở đây tiền phòng tính theo từng giờ.

{keywords}
Chợp mắt chờ con.

Đồng hành cùng con gái đi thi, chị T.H (làm giúp việc ở Xuân Đỉnh, Xuân La) cũng chia sẻ, chị đi làm thuê nên nhà chủ thương cho 2 mẹ con ở nhờ.

"Con gái tôi cũng nghị lực lắm, khi các anh chị SVTN đề nghị chở đi thi nó kiên quyết lắc đầu. Một mình nó đạp xe 10km. Nó bảo nhường xe đó cho các bạn xa hơn. Xót con tôi lại theo lên đây chờ nó thi xong rồi về cùng" - chị H. ngậm ngùi.

Con gái của chị cũng từ chối luôn suất cơm miễn phí của các SVTN. “Tối qua con bảo tôi là sẽ ăn tạm ít cơm nguội rồi đi thi, nhưng hôm qua nhà chủ còn ít cơm quá, thế là tôi mua tạm cho cái bánh giò ăn.

Thế mà đến đây cháu vẫn dặn tôi không được lấy suất cơm miễn phí. Cháu bảo còn nhiều nhà khó khăn hơn, mình nhường cho người ta. Trưa hai mẹ con ăn tạm cái gì đó cũng được.

Nói xong, cháu chào tôi rồi vào phòng thi. Nghe thế là tôi biết con mình lớn thật rồi”, chị tự hào.

N.Trang