- Sau 1 tháng, Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn đã nhận được 145 hồ sơ cho dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo.

Thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng nay.

Cơ hội thành công chức

Các hồ sơ đăng ký chủ yếu từ người tốt nghiệp ngành nông lâm nghiệp, xây dựng, tài nguyên, đất đai, kinh tế, công nghệ thông tin. Bộ Nội vụ cũng đã nhận được điện thoại từ nhiều du học sinh đang học thạc sỹ tại Australia, Mỹ, New Zealand hỏi xem có được tham gia dự án không.

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh (giữa): Quá trình xét tuyển công bằng, khách quan. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
"Cơ hội dành cho các bạn, cả trong và ngoài nước, là như nhau, điều cơ bản là có tinh thần xung kích, tình nguyện", Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 phó chủ tịch xã Vũ Đăng Minh nói tại buổi giao lưu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh thì khẳng định dự án không phân biệt hệ đại học và ưu tiên cho những người biết tiếng dân tộc của dân tộc chiếm số đông trong vùng.

Trả lời câu hỏi "khi đủ điều kiện và được phân về nơi công tác, các đội viên có mặc nhiên được trở thành công chức cấp xã không?", ông Dĩnh cho hay: Luật Cán bộ công chức và nghị định 92 của Chính phủ quy định phó chủ tịch xã là cán bộ chuyên trách của xã. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là các đội viên xuất sắc, nếu có nhu cầu ở lại sẽ được quy hoạch tiếp tục làm lãnh đạo tại xã. Nếu có nhu cầu chuyển lên huyện, tỉnh, sẽ được xét tuyển trở thành công chức nhà nước.

Trước lo lắng về tương lai của các phó chủ tịch xã, ông Vũ Đăng Minh khẳng định mong muốn của những người làm dự án cũng như các tỉnh có huyện nghèo là các phó chủ tịch xã sẽ trở thành cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, xã của các địa phương. Do vậy, theo lộ trình, khi kết thúc dự án, nếu địa phương có nhu cầu, bố trí vào các chức danh bí thư, chủ tịch hoặc các chức danh chuyên môn khác, các phó chủ tịch xã hoàn toàn có thể được làm cán bộ xã.

Nếu ở xã không có nhu cầu, họ sẽ được xem xét chuyển thành công chức cấp tỉnh, huyện. Nếu không muốn ở lại địa phương, UBND tỉnh sẽ xác nhận thành tích trong quá trình thực hiện công tác để tham gia vào tuyển chọn công chức, viên các bộ, ngành cơ quan đơn vị sự nghiệp khác, các phó chủ tịch xã sẽ được thực hiện xét tuyển mà không phải thi tuyển.

Xét tuyển công bằng

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Trong hơn 2 giờ giao lưu trực tuyến, hàng chục câu hỏi đã được đặt ra. Sinh viên Nguyễn Nguyệt Hằng, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn muốn biết trong quá trình xét tuyển, liệu có thật công bằng không, có thể công khai các công đoạn phỏng vấn xét tuyển được không.

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định "quá trình xét tuyển công bằng, khách quan". Chủ tịch UBND tỉnh sẽ lập hội đồng xét tuyển gồm giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh đoàn, đại diện các ngành lao động - thương binh, xã hội, tài chính, kế hoạch, đầu tư...

Kết quả xét tuyển sẽ được gửi về Bộ Nội vụ, ban quản lý sẽ thẩm định. Sau khi thẩm định, thông báo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh để tỉnh xem xét và có quyết định công nhận.

Sau khi được tuyển chọn, 600 trí thức trẻ sẽ được đào tạo 2 tháng lý thuyết và 1 tháng thực tế, trước khi chính thức về các xã nghèo làm phó chủ tịch trong 5 năm.

Dự án tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã được thực hiện tại 600 trong số 894 xã thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Dự án được triển khai ngay năm nay và kéo dài đến 2017.

Tất Đạt