- Số gạo là quà Tết cho người nghèo tại thôn 6 xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam bốc mùi khó chịu. Một số người dân đem nấu ăn thì bị ngộ độc, khi cho heo gà ăn bỗng lăn quay ra chết…

Danh tính các nạn nhân nhập viện sau khi nấu cơm từ gạo cứu trợ Tết cho người dân nghèo tại thôn 6 (xã Phước Trà) là chị Hồ Thị Nhân, Hồ Thị Lanh và anh Hồ Văn Út.

{keywords}
Ông Hồ Văn Sơn phản ánh gạo nặng mùi xà phòng nên không sử dụng được.

Đây là 3 người dân đầu tiên vì kinh tế khó khăn, nhận được gạo đã đem nấu ăn luôn thì bị ngộ độc. Đến nay, sức khỏe của họ đã bình phục sau hơn 10 ngày điều trị.

Anh Hồ Văn Út kể: “Nhà mình hết gạo mấy hôm nay rồi, lúc nhận được gạo cứu trợ mừng quá nên mình đem ra nấu ăn để kịp giờ đi rẫy. Ăn xong mình thấy người choáng váng, đau bụng và nôn… phải nhập viện cấp cứu”.

Người dân ở thôn 6 cho biết, ngay sau khi nhận được tin 3 người trong thôn ăn gạo cứu trợ bị ngộ độc, họ đã cấp báo với chính quyền thu hồi toàn bộ 30 suất quà cấp phát cho bà con trong thôn.

{keywords}
Chị Hồ Thị Nhân chưa hết kinh hoàng sau khi ngộ độc.

Ông Hồ Văn Sơn (67 tuổi, trú tại thôn 6, xã Phước Trà) cho biết: sau khi mang bao gạo nhà mở ra, tôi ngửi thấy có mùi xà phòng nồng nặc. Đem gạo vo để nấu cơm thấy xà phòng đặc sệt nên không dám ăn. Đem gạo vãi thử cho gà ăn thì gà đi liêu xiêu như người say rượu rồi nằm ủ rũ. Tiếp tục đem cho chó ăn thì con vật này chết ngay sau khoảng 30 phút.

Theo ông Trần Văn Thắng (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức), vào cuối tháng 12/2015, ông nhận được điện thoại của nhà từ thiện nói sẽ hỗ trợ 100 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam và người nghèo ở hai xã Phước Trà và Sông Trà.

Trong các ngày 13 và 14/1, ông Thắng cùng với đại diện của Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Sông Trà trực tiếp trao quà cho dân ở 2 xã Sông Trà, Phước Trà. Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau thì xảy ra sự việc.

Theo ông Thắng, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành giám định số gạo trên để xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

{keywords}

Ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức làm việc với phóng viên.

“Việc người dân phản ánh gạo có mùi xà phòng là hoàn toàn có thực, tuy nhiên có điều mâu thuẫn khó hiểu là vì sao khi cấp phát quà Tết cho cả 2 xã đều như nhau, nhưng phía xã Sông Trà thì người dân sử dụng gần hết, không xảy ra vấn đề gì, trong khi ở xã Phước Trà thì xảy ra tình trạng ngộ độc.

Nguồn gốc số gạo này là từ một nhà máy xay xát gạo tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Điều đáng nói là khi kiểm tra, gạo tại nhà máy này vẫn đảm bảo chất lượng.

Vũ Trung