Đó là một cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc, cuộc chiến khiến bán đảo Triều Tiên bị chia tách năm 1953, đồng thời tạo nên khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới...

Thỏa thuận ngừng chiến kết thúc chiến tranh thực ra là một hiệp định ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình. Mới đây nhất, Triều Tiên đã đe dọa hủy bỏ hiệp định ấy, giống như họ đã làm nhiều lần trong quá khứ.

{keywords}
Binh sĩ Triều Tiên tập trận ngày 20/3/2013. Ảnh: Reuters

Tại sao căng thẳng vẫn luôn tồn tại giữa hai miền Triều Tiên?

Nguyên nhân

Gần nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Sau Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô chia nhau nắm giữ bán đảo dọc theo vĩ tuyến 38.

Phía bắc do ông Kim Nhật Thành - ông của vị lãnh đạo Triều Tiên hiện tại là Kim Jong-un - dẫn dắt. Ông Kim Nhật Thành được đào tạo tại Moscow, là người chống lại sự thống trị của Nhật ở bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu.

Tại phía nam, một cuộc bầu cử diễn ra năm 1948 đã đưa Rhee Syng-Man - người ủng hộ độc lập được đào tạo tại Mỹ trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Cả hai ông Rhee và Kim đều muốn thống nhất bán đảo. Căng thẳng luôn tồn tại giữa hai miền khi nó được các đồng minh siêu cường hỗ trợ.

Chiến tranh bùng nổ

Ngày 25/6/1950, một cuộc tấn công bất ngờ của binh lính Triều Tiên qua vĩ tuyến 18 đã nhanh chóng áp đảo lực lượng Hàn Quốc. Trong mấy ngày đầu giao chiến, các lực lượng Hàn Quốc bị thua sút. Khi cuộc tấn công trên bộ tiếp tục, không quân Bình Nhưỡng oanh tạc phi trường Kimpo gần Seoul. Các lực lượng Triều Tiên chiếm được Seoul ngày 28/6.

Sau đó, các cường quốc bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến. Mỹ nhảy vào với tuyên bố bảo vệ Hàn Quốc. Các lực lượng Mỹ, Hàn Quốc trở lại chiếm ưu thế, áp đảo lực lượng Triều Tiên. Gần cuối năm đó, các lực lượng Trung Quốc tham chiến đứng về phía Triều Tiên.

Cuộc chiến kéo dài tới khi hiệp ước đình chiến được ký tháng 7/1953. Các điều khoản trong hiệp ước này bao gồm việc thiết lập một khu phi quân sự dài 250km chia cách giữa hai bên, được vũ trang dày đặc nhất thế giới.

Số người thiệt mạng được thống kê gồm 1,2 triệu người Hàn Quốc, 1 triệu người Triều Tiên, 36.500 lính Mỹ và 600.000 lính Trung Quốc.

Đua tranh hai miền

Ngay sau chiến tranh, Triều Tiên trở thành một nền kinh tế thịnh vượng với sự hỗ trợ của Liên Xô. Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ những năm 1990, kinh tế Triều Tiên lao dốc, chế độ khẩu phần lương thực phân phối cho người dân biến mất.

Trong khi đó, Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn sau chiến tranh và trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Cuối những năm 1960, hđã dần hồi phục và giờ đây trở thành mẫu hình của phép màu kinh tế với vị trí nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Tổng thống Park Chung Hee là một trong những nhà sáng lập Hàn Quốc thời hiện đại, người nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự và dẫn dắt đất nước theo chế độ "bàn tay sắt" trong suốt 18 năm trước khi bị ám sát năm 1979. Một số người dân xem ông như là người tạo nền móng cho sự thịnh vượng của đất nước hiện nay, số khác lại nhìn nhận ông như một kẻ độc tài. Con gái ông, Park Geun-hye, hiện là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Bà nhậm chức với cam kết giữ cho Hàn Quốc an toàn trước một Triều Tiên ngày càng trở nên đối đầu hơn.

Thùng thuốc súng

Trong 60 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên lên xuống từ hòa giải tới gây hấn.

những thời điểm hữu nghị, hai nước đã sắp xếp các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán vì chiến tranh (năm 2000); lãnh đạo hai nước bắt tay nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng năm 2007 và vận hành tuyến xe lửa chuyên chở hàng hóa qua biên giới. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 2000 vì những nỗ lực cho hòa bình, hòa giải với Triều Tiên.

Tuy nhiên, quan hệ hai miền Triều Tiên còn rất nhiều bất ổn.

Gần đây, Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm hai quân nhân và hai dân thường thiệt mạng. Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul châm ngòi vụ tấn công năm 2010 bằng việc tập trận quân sự ở ngoài khơi vùng biển Hoàng Hải chung. Cùng năm đó, Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã làm chìm tàu chiến Hàn Quốc khiến hơn 40 thủy thủ tử nạn. Vụ việc này đã tạo ra làn sóng bất bình khắp Hàn Quốc.

Sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng tháng trước, Seoul tuyên bố đó là "mối đe dọa không thể tha thứ với hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên".

Liên tiếp những ngày gần đây, bán đảo Triều Tiên lại là tâm điểm thế giới vì một cuộc chiến có nguy cơ hiển hiện. Triều Tiên cảnh báo ngày 4/4 rằng quân đội nước này đã duyệt các kế hoạch tấn công hạt nhân nhắm vào các mục tiêu của Mỹ, tuyên bố chiến tranh có thể nổ ra trong “hôm nay hoặc ngày mai”.

Điều gì sẽ xảy ra? Cả thế giới đang nín thở dõi theo "thùng thuốc súng" trên bán đảo, không ai có thể chắc chắn đến khi nào bóng ma chiến tranh từ 60 năm nay mới hết ám ảnh.

Thái An tổng hợp

Các tin liên quan

Mỹ - Triều chính thức chĩa tên lửa vào nhau

Lý giải động thái quân sự của Trung Quốc với Triều Tiên

Cặp đôi nắm thực quyền ở Triều Tiên là ai?

Toàn cảnh "chảo lửa" bán đảo Triều Tiên