- Thấy chính sách tinh giản biên chế là 'một tin đáng ăn mừng đầu năm mới', song độc giả lo lắng không biết sẽ giảm được ai, liệu số con ông cháu cha có yên vị.

 

{keywords}
Đại biểu dự một hội thảo về vị trí việc làm do Bộ Nội vụ tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tin tức về chính sách tinh giản 100.000 công chức từ nay đến năm 2020 được VietNamNet đăng tải đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả những ngày cuối tuần qua. Hầu hết đều kỳ vọng vào một chủ trương đúng đắn, song cũng lo lắng cho tính khả thi và công bằng.

Nói như độc giả Bùi Đán, câu chuyện công chức nơi thừa nơi thiếu vẫn là đề tài “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Thừa công chức "cắp ô", thiếu người làm việc. Giảm ai và ai giảm khi con ông cháu cha, phe cánh và "chạy" khi thi tuyển vẫn đang yên vị.

Độc giả Hùng Nhân lại lo, làm không khéo thì đến năm 2020 khi giảm được 100.000 công chức, 100.000 con ông cháu cha cũng được nhận vào biên chế.

Đồng quan điểm với Bùi Đán, độc giả Phạm Thị Xuân Khải nhận định, việc tinh giản biên chế không khó đến nỗi không thể làm được. “Vấn đề là có quyết tâm làm hay không, nói nhiều làm ít làm sao dân tin khi mà 32 người dân còng lưng nuôi 1 công chức, trong đó có bao nhiêu người sáng cắp ô đi tối cắp về".

Nhiều bạn đọc cho rằng, tinh giản biên chế có nhiều cách, như hạn chế đầu vào vì nhiều cơ quan không nhiều việc song lại rất đông, cổ phần hóa các doanh nghiệp, giảm các tổ chức hội, đoàn thể và hãy để họ tự lo nếu muốn tồn tại. Như vậy, phải bắt đầu từ việc cải tiến thể chế là gốc, còn nếu cứ làm đằng ngọn thì không kỳ vọng sẽ thành công.

“Tinh giản là cần thiết nhưng cốt yếu không chỉ ở công chức hành chính mà cần ngừng và giảm công chức hành chính ở các đơn vị sự nghiệp, tổ chức hội, đoàn thể... vì những đối tượng này không phải thi công chức, tuyển dụng dễ dãi, 'ngồi mát ăn bát vàng', thật lãng phí”, độc giả Anh Hoàng đề nghị.

Độc giả Tap Nguyen thấy trước mắt nên tinh giản bộ khung của các bộ ngành vì có quá nhiều các văn phòng, trung tâm trực thuộc... nằm rải rác ở địa phương.

Độc giả Nguyễn Thanh Mai thì nêu, nên khoán quỹ lương ấn định cho các cơ quan, từ đó những người không làm được việc thực tế buộc phải đưa ra khỏi biên chế.

Nói như độc giả Hữu Hùng và Thanh Sơn, lại một lần nữa “quyết tâm và quyết liệt", song việc tinh giản khá phức tạp và tế nhị. Khó giảm biên chế bởi cơ quan nào cũng có con ông cháu cha, thậm chí còn giữ vị trí chủ chốt. “Ngay khi chưa thành lập đơn vị thì danh sách biên chế đã có rồi, mà toàn là con ông cháu cha".

Do đó, "quan trọng nhất là phải minh bạch và người có quyền không được vụ lợi" - như độc giả Thanh Mai nhấn mạnh, nếu không, đây sẽ chỉ là một chương trình “đầu voi đuôi chuột”.

Tá Lâm

MỜI BẠN ĐỌC THÊM TRANG TÔI MUỐN SỐNG BẰNG LƯƠNG