- Nhiều hộ dân nuôi cá tra ở An Giang đang rất lo lắng vì sau khi bán cá theo hợp đồng cho một công ty thuỷ sản ở địa phương thì chủ doanh nghiệp này bỗng nhiên “biến mất”.

Đại gia thuỷ sản “mất tích”?

Hiện nay, hàng chục hộ dân nuôi cá tra nằm trong chuỗi liên kết, tiêu thụ cá tra ở An Giang đang đứng ngồi không yên. Nguyên nhân là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh – Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco, An Giang) - đơn vị tham gia chuỗi liên kết bỗng nhiên “mất tích”, mang theo số tiền mua cá tra lên đến hàng chục tỷ đồng.

{keywords}

Giám đốc công ty Thuận An đi nước ngoài “công tác” khiến người dân hoang mang

Theo tìm hiểu, năm 2014, được sự thuận chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia 3 bên gồm: công ty Thuận An, Ngân hàng NN&PTNT An Giang (Agribank An Giang) và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Agribank trả tiền thay.

Khi cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho công ty Thuận An, công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi, sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng trả trước đó.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất phấn khởi, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, lãnh đạo công ty Thuận An bất ngờ đi nước ngoài “công tác”, đến nay chưa thấy về khiến những hộ nuôi cá tra này rơi vào cảnh điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (hộ nuôi cá tra trong dự án) cho biết, vụ cá vừa rồi thu hoạch được 250 tấn. Tháng 7/2016, công ty Thuận An đến ký hợp đồng bắt cá với giá trị khoảng 5 tỉ đồng.

“Sau khi trừ khoảng 4 tỉ đồng số tiền tôi vay ngân hàng, công ty Thuận An trả khoảng 100 triệu đồng, rồi trả thêm cho ngân hàng 900 triệu. Còn lại 4 tỉ đồng, ngân hàng và công ty Thuận An sẽ thanh toán với nhau, coi như tôi xong nợ. Tuy nhiên, công ty Thuận An đến giờ chưa trả tiền, còn ngân hàng thì quay sang bắt tôi trả nợ”, ông Nghiệp bức xúc.

{keywords}

Người dân nuôi cá tra nằm trong chuỗi liên kết, tiêu thụ cá tra ở An Giang đang đứng ngồi không yên.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tấn cho hay: “Theo hợp đồng nguyên tắc giữa các bên thì hộ nuôi chỉ được sử dụng vốn vay trong 7 tháng (bằng 1 vụ nuôi). Sau khi giao cá cho công ty Thuận An, công ty này có trách nhiệm đáo hạn ngay với ngân hàng khoản vay của các hộ nuôi. Nhưng công ty Thuận An đã không thanh toán, đến nay, tổng số tiền chúng tôi bị quỵt hơn 80 tỉ đồng”.

Cầu cứu Thủ tướng

Vụ việc diễn ra bức xúc đến nỗi, các hộ nông dân đã gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, giữa các hộ nông dân này và đại diện Agribank An Giang đã có cuộc đối thoại nhằm giải quyết vụ việc. Theo lãnh đạo ngân hàng, hiện tại, có 12 hộ nuôi cá trong dự án nợ ngân hàng tổng số tiền 129 tỉ đồng. Vị lãnh đạo này xác nhận, Công ty Thuận An còn nợ tiền ngân hàng, nhưng từ chối tiết lộ là bao nhiêu.

Trong các buổi làm việc, các hộ nuôi cá đề nghị Agribank An Giang chuyển số nợ từ hộ nuôi cá sang cho công ty Thuận An, nhưng không được ngân hàng đồng ý. Đại diện ngân hàng cho rằng, họ không cho hộ nuôi cá vay tiền mặt mà thông qua việc họ mua thức ăn nuôi cá tra… Sau đó, các hộ nuôi sẽ ký hợp đồng tiêu thụ cá với công ty Thuận An, tất cả đều là những hợp đồng đồng dân sự độc lập với nhau.

Tuy nhiên, các hộ nuôi cá tra lại cho rằng, đây không phải là hợp đồng vay vốn thuần túy, có yếu tố “liên kết chuỗi giá trị”. Trong đó, người dân vay vốn nhưng không được nhận tiền mặt, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá…

{keywords}

Thêm vào đó, trong hợp đồng nguyên tắc giữa 3 bên nêu rõ, người nuôi không được bán cá cho ai khác ngoài công ty Thuận An khi chưa được sự cho phép của công ty này và Agribank An Giang. Bây giờ, ngân hàng nói việc thu mua cá là hợp đồng dân sự độc lập, không khác nào phủi hết trách nhiệm.

Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang xác nhận, lãnh đạo công ty Thuận An đi nước ngoài đến nay vẫn chưa về. Ngân hàng Argibank và các hộ nuôi cá đã kiện công ty này ra tòa, nên phải chờ kết quả giải quyết từ tòa án.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh An Giang cũng nhanh chóng xác minh vụ việc. Bước đầu, công an đã làm việc với các bên liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang về đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của các hộ nuôi cá tra và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả.

Ngay sau khi nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, xử lý. UBND tỉnh cùng với phía ngân hàng cho vay nuôi cá tra theo chuỗi tổ chức họp liên quan đến vụ việc trên.

Được biết, hiện tại, công ty Thuận An vẫn hoạt động bình thường dưới sự theo dõi của các cơ quan chức năng An Giang. Ông Hoàng Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty là người được bà Trinh ủy quyền điều hành công ty.

Hoài Thanh – Thanh Bình