- Khi có nhiều hình thức lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, sẽ tránh được sự cục bộ, khép kín, hạn chế tối đa tiêu cực, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhận định.

>> 7 thứ trưởng làm giám khảo tuyển một vụ trưởng
 >> 
Người 'đậu' Tổng cục trưởng Đường bộ: Tôi nói là sẽ làm

Thủ tướng vừa giao Bộ Nội vụ nghiên cứu kết quả tổ chức thi tuyển chức danh cấp trưởng ở Bộ GTVT hoàn thiện đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng". Trao đổi với VietNamNet, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, UB Pháp luật QH, cho rằng quan trọng nhất là thi tuyển phải công khai, minh bạch.

- Ông nhận định thế nào về cách làm của Bộ GTVT vừa qua, nơi chỉ từ tháng 4/2014 đến nay đã tổ chức 5 kỳ thi?

{keywords}
ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: XĐ

Tôi cho đây là một đột phá tạo cơ hội, môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cũng như tạo điều kiện để lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có trình độ, năng lực.

Việc thi tuyển ở Bộ GTVT đã nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan, dư luận xã hội đánh giá cao và không có đơn, thư khiếu nại.

Đó chính là thành công bước đầu, nhưng để đánh giá thì cần thêm thời gian. Hiệu quả lãnh đạo, điều hành của các cán bộ lãnh đạo mới sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho thành công của việc lựa chọn cán bộ qua thi tuyển.

- Nếu để rút kinh nghiệm từ việc thi tuyển chức danh cấp trưởng ở Bộ GTVT đưa vào đề án, theo ông là những điều gì?

Theo tôi, trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của Đảng về công tác cán bộ, cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau:

1. Việc thi tuyển phải bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, minh bạch.

2. Những người được cấp có thẩm quyền cho phép dự thi phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm theo quy định.

3. Thông qua việc thi tuyển, từng người dự thi được ban giám khảo đánh giá, cho điểm khách quan, sau đó trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt kết quả thi tuyển, công nhận người trúng tuyển và quyết định bổ nhiệm.

4. Quy định cụ thể đối với cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực và triển vọng phát triển, nếu chưa đủ các tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngạch bậc công chức theo quy định thì có thể xem xét vận dụng cho dự thi tuyển. Nếu trúng tuyển và được bổ nhiệm thì phải hoàn thiện tiêu chuẩn còn thiếu trong nhiệm kỳ bổ nhiệm.

- Một số bộ ngành (Tư pháp), địa phương (Đà Nẵng, Quảng Ninh...) cũng đã thí điểm việc thi tuyển này, có điều kém rầm rộ so với Bộ GTVT. Theo ông, có nên nghiên cứu cả kết quả của những lần thí điểm đó trong quá trình hoàn thiện đề án?

Bộ GTVT khi xây dựng các đề án thi tuyển cũng đều nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu kết quả của những lần thí điểm thi tuyển của các bộ ngành, địa phương để hoàn thiện đề án là rất cần thiết.

Theo tôi được biết, các kỳ thi tuyển chức danh cấp trưởng của Bộ GTVT được tuyên truyền sâu rộng, mọi thông tin đều được cập nhật và công khai trên cả nước nên có nhiều người tham gia dự thi. Thông qua việc dự thi, họ được học hỏi, trau dồi, bổ sung và hệ thống hoá kiến thức, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ đang đảm nhiệm, đồng thời cũng là môi trường tự đánh giá, rèn luyện, khẳng định nên người dự thi rất thoải mái và tự tin.

- Nếu cách làm này được nhân rộng, sẽ tồn tại các hình thức khác nhau để một người trở thành lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước: bổ nhiệm do có trong quy hoạch, do luân chuyển theo công tác cán bộ của Đảng, do thi tuyển cạnh tranh... Theo ông điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn gì, hay có thể đem lại điều gì mới mẻ cho đội ngũ công chức?

Khi Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng”, sẽ có nhiều hình thức lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ để tránh cục bộ, khép kín, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh. Qua đó, cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực có nhiều cơ hội để phấn đấu và cống hiến.

Theo tôi, quy hoạch cán bộ chỉ nên là chọn nguồn để đào tạo, bồi dưỡng, còn bổ nhiệm cán bộ có thể lấy nguồn trong quy hoạch hoặc ngoài quy hoạch (nếu nhân sự trong quy hoạch chưa đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và yêu cầu nhiệm vụ). Vấn đề này cần được làm rõ để tránh việc thi tuyển chỉ bó hẹp trong các đối tượng được quy hoạch.

Việc thi tuyển của các bộ ngành, địa phương thời gian vừa qua cho thấy: Người dự thi và trúng tuyển có thể trong quy hoạch hoặc không, nhưng những người dự thi này được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo khác đồng cấp, cao hơn hoặc thấp hơn.

Nhưng để đổi mới công tác cán bộ và chọn người có năng lực thực sự, trẻ tuổi, quyết liệt trong công việc thì việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển không có gì mâu thuẫn với quy trình bổ nhiệm hiện tại.

Chung Hoàng