- Mổ xẻ thất bại của các chương trình mục tiêu khi hơn một nửa các mục tiêu không đạt được, các đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có đánh giá, nghiên cứu sâu, rút kinh nghiệm trước khi quyết và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới.


Đánh giá 12 chương trình mục tiêu 2006 - 2011, các đại biểu băn khoăn trước con số chỉ 54 trong 119 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tức chỉ chiếm khoảng 45,3%. Chương trình mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường cả 9 chỉ tiêu không đạt. Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ đạt 2/9 chỉ tiêu.


Hơn nữa, như ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhận định, các mục tiêu đạt được phần lớn phản ánh chỉ tiêu về lượng còn các chỉ tiêu về chất khẳng định hiệu quả và tính bền vững của chương trình rất ít.

Đó là chưa kể việc đánh giá “mới mang tính chủ quan, chưa có đánh giá mức độ hài lòng của người dân, lợi ích đem lại cho họ”, một đại biểu lưu ý.

Vả lại, như ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chỉ ra, báo cáo chưa chỉ ra được trách nhiệm của cá nhân hay bộ, ngành nào đối với những hạn chế và tồn tại.

Chưa có tổng kết các chương trình mục tiêu 5 năm qua, việc lên kế hoạch các chương trình cho 5 năm kế tiếp vẫn được làm. Những bất cập của giai đoạn trước vẫn lặp lại trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Tiền đâu đầu tiên

Các đại biểu nêu thực trạng báo động về nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu, bị xé lẻ, dàn trải, thiếu hiệu quả. Nhiều chương trình phê duyệt nhưng không phê duyệt kinh phí, chưa xác định được rõ nguồn kinh phí lấy từ đâu.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc)

ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) phàn nàn việc bố trí nguồn lực chưa tương xứng với chính sách, mục tiêu chương trình đề ra quá nhiều chương trình với nhiều dự án thành phần, nhưng nguồn vốn hàng năm phân bổ cho địa phương lại rất hạn chế, nhỏ lẻ.

Nhiều địa phương không hoặc chưa có điều kiện bố trí vốn đối ứng nên xảy ra hiện tượng như trường học xây xong nhưng chưa có cổng, chưa có tường rào, chưa có nhà vệ sinh hay chưa có đường lối vào, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu.

Trong khi đó, phân bổ kinh phí cho các chương trình thường xuyên chậm trễ, có chương trình đến tháng 6, tháng 9 hàng năm kinh phí mới chuyển đến các địa phương.

"Đầu năm không có kinh phí để triển khai, cuối năm khi tiền về thì lại cấp tập, đảm bảo tiến độ giải ngân, làm sao hiệu quả cao được", ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) băn khoăn.

Dẫn ra con số, trong giai đoạn 2006 - 2010 tổng nguồn vốn thực hiện 12 chương trình là 65.000 tỷ đồng trong khi giai đoạn 2011 - 2015 cần 276.000 tỷ đồng, tức là tăng 4,23 lần so với giai đoạn trước, trong hoàn cảnh đang kiềm chế lạm phát, ĐB Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ hơn về khả năng huy động các nguồn vốn, thời gian thực hiện các chương trình.

Lắm mối

Cho rằng có sự lúng túng trong quản lý, điều hành chương trình, các đại biểu đề nghị xem xét một cơ chế quản lý mới, từ đó, lồng ghép các chương trình, tăng hiệu quả và sự đồng bộ, phối hợp.

ĐB Mai Xuân Hùng: Cần tách sự can thiệp điều phối của các bộ đối với chương trình mục tiêu quốc gia

Hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia đều do các bộ, ngành quản lý. Điều này, theo ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định), dẫn đến việc bộ vừa làm chính sách vừa tổ chức thực hiện công việc cụ thể.

Đầu mối các chương trình đều nằm ở các bộ, trong khi đối tượng, địa bàn tổ chức nằm ở tỉnh. Theo ông Chiểu, điều đó dẫn đến sự thiếu khách quan trong việc lập dự toán cũng như trong việc tổ chức thực hiện.

“Có một thực tế là địa phương nếu muốn sử dụng nguồn kinh phí các chương trình để tập trung hoàn thành những mục tiêu đặc thù đang bức xúc nhất, nóng bỏng nhất của mình thì đều không thể”.

Thêm vào đó, như ĐB Danh Út (Kiên Giang) chỉ ra, 12 chương trình của giai đoạn 2006 - 2010 được 8 bộ quản lý. Trong đó chương trình giảm nghèo có đến 13 bộ quản lý với 68 chính sách cơ chế sử dụng khác nhau.

Trong khi đó, ở địa phương, một thực tế được ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nêu lên, là chương trình mục tiêu quốc gia sinh ra bộ máy kèm theo.

“Nhiều địa phương một chi cục hình thành có số lượng người lớn hơn một sở khác”. Điều này gây rắc rối, không phối hợp, điều hòa và lồng ghép được.

Hệ quả tất yếu, là phần chi thường xuyên, chi trung gian chiếm quá nhiều trong khi đối tượng thụ hưởng của chương trình lại không được bao nhiêu, rót 10 đồng đến tay người nhận chỉ còn 2 - 3 đồng.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) khuyến nghị cần tổ chức lại bộ máy điều hành quản lý từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung. Theo ông Thành, cần xác định một cơ quan làm tổng thường trực điều hành chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần tách sự can thiệp điều phối của các bộ đối với các chương trình”, ĐB Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) khuyến nghị.

Nhiều đại biểu đề xuất trao quyền tự quyết, quyết định đầu tư các chương trình cho tỉnh nhằm tạo tính chủ động, lồng ghép hợp lý để chống dàn trải, dở dang. Lãnh đạo tỉnh là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các quyết định của mình. Chính phủ tăng cường kiểm tra đôn đốc, Quốc hội tăng cường giám sát.

Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng