- Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh than phiền, thực sự ở sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được, vì họ không báo cáo bộ quản lý. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng tự tin: “Kết luận thanh tra không có câu nào nói đến trách nhiệm của bộ KHĐT và Tài chính”.


Sai phạm của Vinalines, Vinashin vẫn tiếp tục làm nóng nghị trường chiều nay (13/6) tại phiên chất vấn Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh.

Không được báo cáo

Mở đầu cho vấn đề nóng này, ĐB Lê Thị Nga, Thái Nguyên hỏi thẳng: “Việc quản lý, giám sát, đánh giá sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì không chỉ riêng Vinalines, tất cả DNNN khác đều phải chịu sự giám sát 3 bộ là KHĐ, Tài chính và bộ chuyên ngành. Vì sao cơ chế giám sát chặt chẽ như vậy mà các sai phạm vừa qua bị phát hiện chậm? Có vụ được phát hiện là do Thanh tra Chính phủ, do Ủy ban Kiểm tra TƯ, vậy trách nhiệm của Bộ KHĐT về việc thất thoát vốn nhà nước này như thế nào? Cụ thể, trách nhiệm của Bộ KHĐT ở vụ Vinalines ra sao?".

ĐB Lê Thị Nga: Vì sao cơ chế giám sát chặt chẽ mà các sai phạm bị phát hiện chậm?

Cũng câu hỏi này, ĐB Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Tài chính trả lời thêm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ: “Về nguyên tắc, trong các vụ việc này, chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm của Bộ KHĐT”.

Ông dẫn giải tiếp rằng, trước năm 2005, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có luật DNNN riêng. Sau 2005, chỉ còn luật Doanh nghiệp duy nhất, không phân biệt DNNN hay DN tư nhân. Theo đó, chế tài quản lý DNNN thoáng hơn và trao quyền lớn hơn.

Riêng về các dự án đầu tư công, có rất nhiều nghị định, hầu hết đều quy định thẩm quyền quyết định các dự án là do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tự quyết.

Trên cơ sở này, Bộ trưởng Vinh khẳng định: “Khi thực hiện trên thực tế, các đơn vị này không báo cáo các bộ. Thực sự sau vụ Vinashin, Bộ KHĐT không nắm được, vụ Vinalines cũng thế, Bộ không nắm được, vì không có báo cáo”.

“Vinalines, trong các dự án đầu tư có sai phạm, họ chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo bộ ngành. Có mấy cục đến xin thông tin cũng khó. Thậm chí, đến Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý trung ương đến mà họ còn không tiếp. Nhưng trách nhiệm thì chúng tôi nhận nhưng cụ thể là khó”, Bộ trưởng Vinh than phiền thêm.

Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh: Đầu tư của DNNN lãng phí, tôi thấy rất xót xa

"Chia lửa" với ông, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chắc nịch: “Trong sai phạm ở Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng, trách nhiệm chính là của Chủ tịch Tập đoàn và Giám đốc các đơn vị thành viên. Không có câu nào nói đên trách nhiệm của Bộ KHĐT và Tài chính”.

Minh chứng cho tính trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Huệ lại kể: “Thực tế quản lý đối với Vinalines, chúng tôi đã nghiên cứu kết quả báo cáo tài chính năm 2010. Đến 2011, chúng tôi đã có báo cáo tình hình tài chính về Tổng công ty này trong hai năm 2010-2011 và đã có khuyến cáo cụ thể. Ngày 27/7/2011, Bộ Tài chính còn tiếp tục có báo cáo và cảnh báo tình hình công ty mẹ của Vinalines rất khó khăn”.

Theo như trả lời của Bộ trưởng Huệ, không chỉ riêng vụ Vinalines, Bộ Tài chính đã báo cáo nhiều lần tới Chính phủ về tình hình tài chính các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2006-2010….

Tuy nhiên, ông Huệ cũng phải thừa nhận rằng: “Vai trò giám sát thực tế tại các tập đoàn, tổng công ty còn lỏng lẻo. Vừa qua, chúng tôi có tham mưu trong quy chế giám sát nhóm DN này với 3 tầng, tầng 1 là kiểm soát nội bộ, tầng 2 là vai trò của chủ sở hữu, giao cho bộ phận kế hoạch tài vụ tại DN có trách nhiệm giúp cho bộ trưởng bộ chuyên ngành theo dõi tình hình tài chính của các tập đoàn, tầng 3 là giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước”.

Rất xót xa

ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM nhận định, như vậy là Bộ KHĐT đứng ngoài, vô can trong vụ Vinalines, Vinashin. Toàn bộ là do Hội đồng quản trị, tổng giám đốc các đơn vị? Làm tham mưu cho Chính phủ thì Bộ có xót xa khi đồng tiền của nhân dân được các tập đoàn đó sử dụng như là của tư nhân?

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Giám sát thực tế tại các tập đoàn, tổng công ty còn lỏng lẻo

Bộ trưởng Vinh nói thêm rằng: Đầu tư của DNNN lãng phí thì tôi thấy rất xót xa. Trong luật này, luật kia, cơ bản là chưa hoàn thiện hoặc có thể mỗi kỳ có một cách nhìn nhận khác nhau. Những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người ở đó. Người ta biết luật pháp đó nhưng người ta vẫn cố tình làm như vậy. Luật pháp sửa nhưng cần phải quan tâm phẩm chất con người cán bộ, làm sao thì kiên quyết xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại, ý của ĐB Trần Du Lịch muốn hỏi rằng, giao vốn cho tập đoàn, tổng công ty lớn như vậy thì quan điểm của Bộ trưởng KHĐT ra sao?

Bộ trưởng Vinh bày tỏ: Vốn chủ sở hữu là Nhà nước cấp, kể cả vốn đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì khi DNNN đổ bể thì Nhà nước lại bảo lãnh, không buông như tư nhân được.

“Cho nên, các dự án lớn đều phải báo cáo, không thể tự quyết được. Ở các tập đoàn phải có giám sát lớn. Không thể nào trao quyền quá lớn như vậy. Tất nhiên, luật thì đã quy định rồi nhưng theo tôi, cơ chế sẽ phải thay đổi, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Vẫn không đồng tình quan điểm của Bộ trưởng, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ thêm, Chủ tịch Quốc hội đã nhắc, sau vụ Vinashin, ta thấy có lỗ hổng về pháp lý. Một vụ việc như vậy mà các bộ liên quan như Tài chính, KHĐT không có trách nhiệm gì hết. Tất cả dồn vào Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Đó là lỗ hổng pháp lý.

“Bộ trưởng nên xem lại việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc này. Cơ chế hiện nay không thể loại bỏ trách nhiệm của ba bộ là KHĐT, Tài chính, bộ quản lý ngành được. Không thể nào giao Vinashin có quyền tự quyết đầu tư trên 50.000 tỷ đồng mà bình thường, dự án trên 20.000 tỷ đã phải báo cáo Chính phủ rồi. Không thể nói là không có trách nhiệm!”, ĐB Trần Du Lịch gay gắt nói.

Phạm Huyền - Ảnh: Quang Khánh - Minh Thăng