- Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nhận định, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế; tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành NSNN.

Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí ở các mức độ khác nhau, bổ sung chi thường xuyên sai quy định, chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện kiến nghị xử lý tài chính hơn 16.700 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN hơn 8.400 tỷ đồng; giảm chi NSNN hơn 696 tỷ đồng.

“Năm 2016, nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh như Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua ấm chén làm quà tặng, cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua”, ông Hải dẫn chứng.

Bổ nhiệm không đúng làm chi lương lớn

Ngoài ra, việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định. Sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc. 

Hay như việc mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý, nhất là trong lĩnh vực y tế như ở Gia Lai, Bắc Kạn...

Nói về lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ông Hải cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách TƯ là hơn 9.500 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra 11/27 dự án BOT còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, nhiều dự án phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí.

Trong năm 2016, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước, tuy nhiên, việc này chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. 

“Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định. Tại một số bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua; chi lương lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp...”, ông Hải cho hay.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách điểm lại thất thoát, lãng phí tại 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành Công thương với số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng. Đó là các dự án: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc, nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy gang thép Thái Nguyên,...

Báo cáo thẩm tra cũng lưu ý việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng ở một vài nơi còn buông lỏng đã dẫn đến việc vi phạm, gây thất thoát như sai phạm tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.

Tiền doanh nghiệp cũng là nguồn lực đất nước

Nhấn mạnh các nhiệm vụ đưa ra nhằm thực hành tiết kiệm đã khá đầy đủ, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý tính khả thi của một số nhiệm vụ, như việc tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Nói tập trung xử lý dứt điểm cái này trong năm nay liệu có làm được không, vì vừa nghe quyết toán ngân sách còn nhiều việc lắm, đến hoàn thuế vẫn còn nợ. Vì vậy, với từng nhiệm vụ cũng phải tính đến tính khả thi” - Chủ tịch QH lưu ý.

Đặc biệt, Chủ tịch QH cho rằng cần phải nhấn mạnh vào một số vấn đề như quản lý ngân sách. Bà nêu thực trạng các bộ, ngành, địa phương còn tổ chức nhiều lễ kỷ niệm, có nơi dùng ngân sách, cũng có nơi không dùng, nhưng lại huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dù không dùng ngân sách, nhưng kêu gọi xã hội hoá hay huy động nguồn lực của doanh nghiệp đều là nguồn lực của đất nước, quốc gia, không thể lãng phí.

Trong chủ trương tinh giản biên chế, dù đã nhấn mạnh thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhưng theo Chủ tịch QH, báo cáo vẫn không nhấn mạnh được vấn đề đạo đức công vụ thế nào để không gây ra lãng phí thời gian, công chức cho người dân, doanh nghiệp. Ví như hiện nay chỉ đi xin một thủ tục hành chính về giấy tờ đã mất rất nhiều thời gian.

Thu Hằng