- Bộ có thể “vẽ” ra vị trí việc làm, nhưng cân đong đo đếm cần bao nhiêu vị trí lại không có công thức tính, đại diện Bộ Y tế giải trình với đoàn giám sát của QH câu chuyện khó về bộ máy hành chính.

Chiều 1/3, đoàn giám sát của QH do Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy làm phó trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

{keywords}
Ảnh: T.Vân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2016, Bộ đã kiện toàn cơ cấu tổ chức với 8 vụ, 9 cục, 1 tổng cục, văn phòng, thanh tra, đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM và 4 đơn vị sự nghiệp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, tổng số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ là 83.

Năm qua, Bộ Y tế được giao 875 biên chế công chức, tuy nhiên số lượng công chức thực hiện đến hết năm 2016 mới là 783. Tuy nhiên, tổng số viên chức và số người hiện đang làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là 29.770/26.101 chỉ tiêu được giao.

Lý giải về số viên chức và số lượng người làm việc tăng, Bộ Y tế cho biết do nhu cầu xã hội tăng số giường bệnh.

Nói về khó khăn trong tổ chức bộ máy, Bộ cho rằng số lượng vị trí việc làm của Bộ rất lớn, bao gồm nhiều bộ phận nên việc xác định vị trí việc làm rất khó khăn. Các đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Mặc dù không tuyển dụng hết số biên chế được giao, nhưng đơn vị lại tự hợp đồng lao động đối với cán bộ làm chuyên môn y tế cho nên khó kiểm soát số người lao động thực có tại các đơn vị.

Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng phải xem lại chế định vị trí việc làm, nếu không thực hiện được, cần sửa luật Cán bộ công chức. Hơn nữa, yếu tố quan trọng để ngành Y tế xác định biên chế là dựa trên định mức, dân số tăng thì định mức tăng.

“Bộ có thể 'vẽ' ra vị trí việc làm, nhưng cân đong đo đếm cần bao nhiêu vị trí lại không có công thức tính, đó là câu chuyện khó và cần hết sức thận trọng”, đại diện Bộ Y tế lý giải.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhìn nhận, khả năng thực hiện đề án vị trí việc mong manh và không có tính khả thi. Trong ngành Y tế, cần có định biên, kể cả đối với những bệnh viện tự chủ được.

Vì vậy ông bày tỏ mong muốn có thể du di về định biên, nhưng tổng biên chế không thay đổi.

Đề nghị quy định mềm dẻo chế độ hợp đồng

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu lại mô hình tổ chức, không để xung đột lợi ích giữa thầy thuốc và bệnh nhân, không để bác sỹ phải phân tâm về vấn đề tiền bạc.

Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn việc biên chế của Bộ không sử dụng hết nhưng số hợp đồng lại tăng lên có phải do trách nhiệm phải đảm bảo quản lý.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa cho rằng chưa có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong cung cấp dịch vụ công. Vì vậy cần làm rõ chức năng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công của Bộ.

Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, gần đây, Thủ tướng có yêu cầu các bộ, ngành xem xét lại việc hợp đồng chuyên môn, không hợp lý phải kiểm tra, kiểm điểm người đứng đầu.

Tuy nhiên đối với Bộ Y tế, nếu không ký hợp đồng sẽ không có đủ người chăm sóc, khó cho đơn vị dịch vụ công. Vì vậy Bộ đề nghị quy định mềm dẻo về chế độ hợp đồng trong luật Viên chức, không cứng nhắc theo số lượng biên chế bắt buộc.

Cùng ngày, đoàn giám sát QH cũng đã làm việc với các bộ: LĐ-TB-XH, Tư pháp và Ngoại giao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Theo kế hoạch giám sát của QH, từ nay đến cuối tháng 4, 3 đoàn giám sát của QH sẽ làm việc và giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại 19 bộ ngành và 15 địa phương.

Trong đó có một số bộ ngành và địa phương mà thời gian qua nổi lên nhiều câu chuyện lình xình trong bổ nhiệm, tuyển dụng như Bộ Công thương, tỉnh Hải Dương, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ...

Thu Hằng