- Thủ tướng nhận định tình hình kinh tế xã hội 9 tháng gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.

XEM CLIP:

Tăng trưởng thấp, ngân sách khó khăn

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 9 tháng đầu năm, GDP cả nước chỉ đạt 5,9%, trong khi cùng kỳ đạt 6,5%.

Giảm mạnh nhất là công nghiệp khai khoáng với mức 4,1% (cùng kỳ 8,6%). Theo đó dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ thấp hơn kế hoạch 6,7% đề ra.

Nguyên nhân tăng trưởng giảm chủ yếu do hậu quả của rét đậm, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, sự cố ô nhiễm môi trường biển cũng như tác động của giá dầu thô, than đá giảm mạnh đối với ngành công nghiệp khai khoáng.

{keywords}
Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế xã hội trước QH sáng nay. Ảnh: Phạm Hải

Về tình hình xuất khẩu, Thủ tướng cho biết 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), trong đó xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp, chỉ đạt 8,5% (cùng kỳ 18,6%); xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm 9,1%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lo lắng về tình hình thu ngân sách khi 9 tháng chỉ đạt 70,8% so với cùng kỳ 74,9%, trong đó thu ngân sách trung ương chỉ đạt 61%; nợ đọng thuế còn lớn.

Ngoài ra việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công còn chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn.

Tình hình sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn, 9 tháng có khoảng 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

“Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỉ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến”, Thủ tướng nhận định và cho biết mục tiêu đến cuối năm sẽ cố gắng đảm bảo tỉ lệ bội chi NSNN không quá 3,5% do với GDP.

Để siết kỷ luật tài chính, Thủ tướng cho biết sẽ quán triệt tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực. Từng bước thực hiện khoán chi hành chính, đấu thầu, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công.

Về nợ công, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.

9 tháng, xử lý 208 đối tượng tham nhũng

Đánh giá về tình hình bộ máy hành chính hiện tại, người đứng đầu Chính phủ khẳng định vẫn chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, tinh giản biên chế còn chậm; tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

Cụ thể trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã xử lý 145 vụ, 208 đối tượng vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ; 12.939 vụ vi phạm về quản lý kinh tế.

Nói về vấn đề nổi cộm suốt thời gian qua, Thủ tướng nhận định, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện.

Trong khi đó công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời; đánh giá tác động môi trường đối với nhiều dự án còn hình thức; kiểm tra, giám sát việc thực thi còn yếu.

Ngoài ra, Thủ tướng lo lắng về tình trạng úng nghiêm trọng tại TP.HCM và Hà Nội; mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống chậm được khắc phục; quản lý thông tin truyền thông còn bất cập, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí...

Để khắc phục, Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Song song đó sẽ kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế 1,5% (tương ứng 3.868 người) đối với hệ thống hành chính nhà nước; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội.

Thúy Hạnh