- Việc sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả là một trong hành động của Chính phủ để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.

Với kết quả biểu quyết 82,39% ĐB tán thành, chiều nay QH đã thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020. Trong đó, Chính phủ đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ nhất, tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm: cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng trước năm 2019. Trong đó có việc đánh giá thực chất và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

{keywords}
QH biểu quyết thông qua Nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công; hoàn thiện mô hình quản trị DNNN; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực.

Xây dựng và công bố mục tiêu cụ thể hàng năm về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Chính phủ nhấn mạnh đến nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Thứ 2, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, DNNN.

Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư, quản lý nguồn vốn nhà nước.

Cùng với đó là xây dựng Nhà nước quản lý và phục vụ, thực hiện toàn diện chính quyền điện tử; sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách bộ máy nhà nước gắn với cải cách tiền lương…

Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.

Nhiệm vụ thứ 3 được Chính phủ đặt ra trong tái cơ cấu nền kinh tế là, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kế đến là, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiệm vụ trọng tâm cuối cùng là hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Một số mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế

Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP.

Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống mức dưới 3%.

Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.



Thu Hằng