- Ngày này cách đây 72 năm (2/3/1946-2/3/2017), kỳ họp thứ nhất QH khóa 1 đã khai mạc tại Hà Nội, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng với việc xuất hiện cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của chính thể dân chủ cộng hòa.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ĐBQH Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH:

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu QH khoá 1 đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi. Trong 71 tỉnh, thành của cả nước, 89% số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 ĐBQH, trong đó 87% ĐB là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 ĐB là phụ nữ và 34 ĐB các dân tộc thiểu số.

Chưa đầy hai tháng sau tổng tuyển cử, ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, QH khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khai mạc. Tại kỳ họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử đất nước.

{keywords}
Kỳ họp đầu tiên của QH khóa 1. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đó là kết quả của cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, mà cuộc tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể, đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc".

QH đã thông qua Tuyên ngôn của QH tuyên bố với quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới rằng: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay QH Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hoà có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”.

QH đã bầu Ban Thường trực để thay mặt QH thực hiện nhiệm vụ của mình. Ban thường trực gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ và Quốc ca là bài Tiến quân ca của Việt Nam.

Hòa hợp dân tộc

QH đã thông qua kết quả bầu cử với tổng số ĐBQH khóa 1 là 403 người, trong đó có 333 ĐB được bầu bao gồm Việt Minh 120 ghế, đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế.

Điều đáng nói tại kỳ họp này, theo đề nghị của Chính phủ liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, QH đã chấp thuận 70 đại biểu không qua bầu cử. Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về hoà hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kể từ kỳ họp thứ nhất của QH khóa đầu tiên đến nay, 72 năm là chặng đường lịch sử vẻ vang, vì nước, vì dân của QH. Quá trình ấy khắc ghi nhiều dấu ấn không phai trong lịch sử dựng nước, giữ nước và để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Quyền lực phải từ dân

Trong lịch sử có bài Quốc tộ (Vận nước) của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận ứng tác xung quanh vận nước vào năm 980.

Đây là bài kệ (thơ của người tu hành theo đạo Phật được gọi là kệ), nguyên âm Hán Văn là: Vận nước như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh. Có nghĩa là: Vận nước như mây cuốn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ hết đao binh.

Ở bài kệ này, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã dùng hình ảnh vận nước như một bó mây cuốn lại với nhau (đằng lạc) để nói lên vai trò tối quan trọng của sự đoàn kết.

Ông đã ý thức rất sâu sắc mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng vì thế mà do dân quyết định. Nếu bậc quân vương biết thấu tỏ lòng dân, biết đoàn kết cùng toàn dân, thì vận mệnh của triều đại mình sẽ trường cửu, vững bền.

Nhân dân là cội nguồn của vận nước thái bình và chỉ khi đất nước thái bình thì vận nước mới vững bền muôn thuở.

Thiền sư cũng chỉ ra phép trị quốc bằng đạo “vô vi”. Nói đến vô vi trên điện các, Thiền sư Pháp Thuận muốn đưa ra một hình mẫu lý tưởng cho vua Lê Đại Hành trong việc bình trị đất nước, đó là trí và đức.

Người lãnh đạo phải sở hữu những phẩm chất tài, đức thì đất nước mới thái bình thịnh trị. Cả bài kệ toát lên tư tưởng đoàn kết của toàn dân và phẩm chất, tài đức của người lãnh đạo. Đó là những yếu tố bảo đảm cho vận nước vững bền mãi mãi.

QH là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nên trước hết, QH phải thực sự đại diện cho tinh hoa trí tuệ và sự đoàn kết thống nhất của nhân dân.

Nâng cao chất lượng ĐBQH và chất lượng hoạt động của QH nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của QH trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh“ là yêu cầu then chốt, có tính quyết định.

Lê Thanh Vân (ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH)