- Việc dồn những người nghiện vào các trại cai nghiện tập trung chỉ nên là phương án cuối cùng, những người bức xúc cùng ngồi với nhau dễ kích động.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi đã nhận định như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang chiều nay trước sự việc hàng trăm học viện trốn trại cai nghiện tại Đồng Nai.

Ông Lợi cho rằng, trong vụ việc này, không thể trách chính quyền địa phương hay những người quản lý trại cai nghiện vì họ đã làm hết trách nhiệm, không ai muốn việc này xảy ra.

{keywords}
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nên dồn người cai nghiện vào các trại tập trung vì dễ gây bức xúc. Ảnh: Phạm Hải

“Do mình tập trung những người bức xúc ngồi với nhau nên dễ kích động”, ông Lợi nêu nguyên nhân.

Theo ông Lợi, biện pháp tập trung hết vào các trung tâm cai nghiện như hiện nay không phải là bài toán tối ưu. Đó chỉ là hình thức cuối cùng trong đời sống xã hội.

“Tối ưu nhất là phải xã hội hoá. Đã bức bách mà tập trung thì càng tạo ra bức bách lớn. Cách điều chỉnh là phải càng giãn ra càng tốt”, ông Lợi đề xuất.

Nên phân loại các đối tượng nghiện

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng, sở dĩ vừa qua có nhiều vụ học viên trốn trại do có một thời kỳ nhà nước chưa tập trung lớn cho công tác cai nghiện, đến khi số lượng tăng lên mới đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung.

“Số lượng quá lớn thì dễ có xung đột, dễ xảy ra kích động. Quan trọng nhất là phải quản chặt các đối tượng có nguy cơ kích động cao. Chỉ một vài đối tượng kích động là đồng loạt nhảy ra phá phách”, ông Lợi phân tích.

Còn những đối tượng bình thường có thể đưa về gia đình, cộng đồng cùng giám sát.

“Xã hội chỉ có trách nhiệm với người nghiện không ai chăm sóc, không nơi nương tựa, còn lại gia đình phải có trách nhiệm. Quản người nghiện đã khó rồi mà giờ lại tập trung tất cả người nghiện vào thì quá nguy hiểm”, ông Lợi nêu.

Với những đối tượng cai nghiện, trước hết phải cải thiện điều kiện sinh hoạt để họ thoải mái, không cảm thấy bị nhốt mà coi đó là nơi giao lưu, lao động để quên đi chất gây nghiện.

“Cai được một người thoát khỏi cơn nghiện là rất khó khăn, cần đầu tư lớn, và phải hết sức cẩn thận. Ngày xưa có nhờ lực lượng công an bảo vệ, nhưng sau này thấy nếu cứ hình sự hoá, công an hoá hay chuyên chính hoá thì người nghiện cảm thấy nặng nề”, ông Lợi nói.

T.Hạnh