- Phó Tư lệnh Quân khu 2 đề xuất nên bổ sung quy hoạch cả vùng trời để tránh va chạm giữa máy bay quân sự với máy bay dân dụng và tạo không gian để đảm bảo huấn luyện.

Nghiên cứu 5 năm, biển, trời vẫn ngoài quy hoạch

Tại phiên thảo luận trước QH sáng nay về dự thảo luật Quy hoạch, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là luật quan trọng nhưng bị chậm do một số ý kiến không đồng ý làm theo quy hoạch tích hợp, gây ra nhiều lãng phí, bất cập.

Theo ông, đây là luật khó, ban soạn thảo đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, đã mời cả chuyên gia nước ngoài, đi tham khảo các nước về công tác quy hoạch để tổng hợp, xây dựng lại và hoàn chỉnh rất nhiều lần trong 5 năm qua.

{keywords}
ĐB Sùng Thìn Cò. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, nhiều ĐB đánh giá, dự thảo còn quy định chung chung, nhiều nội dung quan trọng chưa được đề cập, đặc biệt quy hoạch vùng trời, vùng biển.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định: “Một số ĐB cho rằng phạm vi điều chỉnh rất ngon lành nhưng tôi cho rằng cần phải xác định lại”.

Ông chỉ rõ, dự thảo chưa nói rõ quy hoạch gì, tức không có đối tượng. Trong khi quy hoạch phải xác định rõ 3 vấn đề: Mặt đất, vùng trời, vùng biển nhưng vùng dự thảo chỉ nhắc chủ yếu tới mặt đất là thiếu sót.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) chỉ ra, trong 13 nội dung quy hoạch tổng thể không có quốc phòng an ninh.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), Phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng vấn đề vùng trời hiện nay rất bức xúc.

“Vừa qua, khi lực lượng không quân cất cánh bay suýt nữa máy bay quân sự va chạm vào máy bay dân dụng. Phòng không huấn luyện xong không dám bắn vì hỏa lực, tầm bắn sát thương 5-7km trên không mà không có chỗ để bắn. Nếu chúng ta không quy hoạch thì rất khó khăn trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu”, ông chỉ ra điểm bất cập.

Do đó ông Sùng Thìn Cò đề nghị phải quy hoạch cụ thể đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đường bay quá cảnh, đường bay dành cho lực lượng không quân, vùng trời dành cho phòng không bắn chiến đấu thế nào. Nếu không quan tâm thì sau này khó tránh va chạm giữa lực lượng quân sự và máy bay dân dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc quy hoạch về bầu trời đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến nhưng không hình dung quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

“Chúng tôi hình dung nó chỉ là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau. Trong một bầu trời như thế này, các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan. Mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó”, Bộ trưởng KH&ĐT nói sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp.

Quy hoạch đô thị lai căng, chắp vá

Đây là nhận xét của ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) khi phát biểu về dự thảo luật Quy hoạch.

Ông đề nghị Nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch cho quốc gia để tạo sự đồng bộ, thống nhất.

“Ở các quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông rất đồng bộ và in đậm bản sắc văn hóa, dấu ấn quốc gia. Trong khi ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ nhìn chung là chắp vá, lai căng không có bản sắc, dấu ấn riêng”, ĐB Tiến dẫn chứng.

{keywords}
ĐB Phùng Đức Tiến. Ảnh: VPQH

Ông cho rằng khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì không được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương thì phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh tình trạng các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.

Theo các ĐB, do chậm trễ ban hành luật nên trong hơn 1 thập kỷ qua, hoạt động quy hoạch có quá nhiều chồng chéo, phá vỡ quy hoạch, gây lãng phí, tổn thất ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển, gây lãng phí lớn cho xã hội.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chỉ ra, từ năm 2011-2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập và phê duyệt. Năm 2015 mỗi tháng có trên 75 quy hoạch, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 lên đến con số gần 14.000 quy hoạch.

“Đó là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng”, ĐB Hằng nói.

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết QH sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án luật và sẽ trình tại kỳ họp sau.

Thúy Hạnh