- ĐB thế hệ 7X Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tâm đắc câu nói của Thủ tướng: ‘5 ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng cùng chung 1 bàn tay, hướng về sự phục vụ, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất nước tốt nhất’.

Lâu nay nhiều người hay nói: “Con đường dài nhất Việt Nam là từ nói đến làm và sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm”. Nhiều người cứ mặc định trong đầu như vậy. 

"Vì vậy, QH và ĐBQH cần phải làm tốt công tác giám sát tối cao để dần xóa đi những định kiến này" - bà tâm niệm.

{keywords}
ĐBQH trẻ nhất đoàn Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền, sinh năm 1978. Ảnh: Phạm Hải

Tôi đặt mình vào những lo lắng của dân

- Ngay phiên chất vấn đầu tiên của QH khóa 14, chị đã có những câu hỏi khá thẳng thắn về những vấn đề nóng. Điều gì thôi thúc chị “gan” như vậy?

Tôi chỉ lo lắng một điều là khi bấm nút đăng ký chất vấn, liệu mình có cơ hội được vào danh sách chất vấn tại nghị trường hay không. Bởi trong khung thời gian hạn hẹp, nếu gần 500 ĐB cùng nhấn nút thì rất khó đến lượt mình.

Tôi cũng thấy hơi hồi hộp vì là lần đầu tiên làm ĐB dân cử, lần đầu tiên đăng đàn chất vấn tại nghị trường, mà cử tri thì đang theo dõi qua truyền hình, nếu sơ suất gì thì tôi sẽ thấy có lỗi với niềm tin của cử tri...

Tuy nhiên, cảm giác ấy lướt qua nhanh bởi động lực lớn nhất lúc đấy là làm sao chuyển tải được vấn đề mà cử tri đã gửi gắm. 

Khi đặt mình vào những bức xúc, lo lắng của người dân để chuyển tải đến QH, chưa biết là vấn đề ấy có được giải đáp thỏa đáng ngay tại nghị trường hay không, nhưng ít ra cử tri sẽ có thêm niềm tin vào hoạt động của QH. Đó cũng là trách nhiệm cần thiết của 1 ĐB.

- Chị là một trong 2 ĐB đã mạnh dạn chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Công thương về câu chuyện lợi ích nhóm trong dự án thép Cà Ná. Vì sao chị không chọn đặt vấn đề dễ hơn?

Tôi nghĩ thế này, thực ra “nhạy cảm” cũng chỉ là phạm vi chúng ta tự đưa ra, tự giới hạn trong cách nghĩ để rồi phụ thuộc vào nó...

Nếu những vấn đề thuộc quyền lợi chính đáng của người dân đều nằm trong ngoặc kép của từ này mà không nói ra được thì ĐB nên nhìn lại mình. 

Còn nếu nói đụng chạm, thì phải chăng có dấu hiệu xung đột giữa lợi ích chính đáng của người dân với lợi ích của một một nhóm người có chức quyền.

Vậy thì ĐBQH càng cần phải làm rõ, đặt vấn đề thẳng thắn, công khai. Phân định khó hay dễ thì biết khi nào tìm được câu trả lời thỏa đáng cho cử tri.

Riêng vấn đề dự án thép Cà Ná, qua theo dõi báo chí và tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã lên tiếng về vấn đề này, tôi nghĩ lắng nghe cũng chưa đủ, mà phải chuyển tải băn khoăn của cử tri đến với Bộ trưởng.

Cơ hội tốt nhất để hỏi Bộ trưởng là thông qua phiên chất vấn. Đó cũng chính là mong muốn của cử tri, được nghe chính Bộ trưởng trả lời công khai tại phiên truyền hình trực tiếp. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình đang thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH.

Đại biểu phải tự phân vai

- Sau phiên chất vấn, chị nhận được phản hồi từ cử tri như thế nào?

Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri, phần lớn là đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có tin nhắn góp ý tôi nên chất vấn nhẹ nhàng...

Những góp ý của cử tri tôi sẽ luôn lắng nghe, chắt lọc để điều chỉnh cho phù hợp. Tôi nghĩ đó là sự động viên, là động lực tiếp thêm sức mạnh để mình hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn tự nhủ, những ý kiến liên quan đến môi trường dân sinh cần phải quyết liệt vì quyền lợi chính đáng của người dân.

- Chị là cán bộ nhà nước ở địa phương, vậy khi bấm nút chất vấn các bộ trưởng, nhất là những vấn đề đụng chạm như vậy, có sự xung đột nào giữa vai trò là cán bộ trong cơ quan hành pháp với người ĐB dân cử của cơ quan lập pháp hay không?

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào cũng đều có những khó khăn nhất định. Nhưng tôi nghĩ rằng cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp cũng đều hướng đến những điều tốt đẹp về quyền con người, xây dựng XH ổn định văn minh, đất nước giàu đẹp và phát triển bền vững. Vai nào cũng hướng đến mục tiêu này.

Trong phiên chất vấn tại nghị trường thì vai trò của mình là ĐB dân cử và mình phải biết đặt tâm thế mình ở đâu, lúc nào, thời điểm nào để làm tròn vai trò đó. Xung đột hay hài hòa đều do cách nghĩ của mình, từ cách nghĩ mà suy ra hành động.

Nếu ngại va chạm thì hóa ra mình hứa suông

- Chị có dự định sẽ tiếp tục đi vào những vấn đề hóc búa như vậy nữa không?

Trách nhiệm của ĐBQH là phải luôn hòa mình vào đời sống của nhân dân, phải bắt nhịp cùng với sự vận động không ngừng của xã hội. Những gì người dân phản ánh, ĐB dân cử lắng nghe và phải có trách nhiệm chuyển tải đến các cơ quan hữu quan kịp thời khi thấy cần thiết.

Hoặc thông qua báo chí để thể hiện chính kiến, phản ánh tiếng nói của người dân trước những hiện tượng tiêu cực, những vấn đề khuất tất gây bức xúc dư luận.

Theo tôi, đó cũng là một hình thức trong thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, có ý kiến về những vấn đề quan trọng và giám sát của ĐBQH. Nếu tất cả cùng hành động trên tinh thần xây dựng, cầu thị thì mọi vấn đề liên quan đến đời sống người dân, phát triển xã hội đều quan trọng như nhau.

- Tức là dù ở bất kỳ thời điểm nào chị cũng không ngại va chạm và không né tránh những vấn đề bức xúc của người dân?

Lúc tranh cử, tôi đã cam kết sẽ chuyển tải một cách đầy đủ, trung thực tâm nguyện của cử tri đến QH. Nếu ngại va chạm thì hóa ra lời hứa của mình trước dân lại là lời hứa suông ư? Nếu tránh né thì hóa ra bản thân mình cũng có suy nghĩ khuất tất ư?

Không thể làm hài lòng tất cả nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ mà người dân đã giao, tất nhiên là có cả những nhiệm vụ khó khăn, gai góc. Đâu phải lĩnh vực nào mình cũng có sự hiểu biết sâu sắc nên tôi vẫn phải luôn học hỏi, thu nạp kiến thức mỗi ngày.

Tôi nghĩ, dù là ĐB mới, trẻ nhưng quan trọng nhất đã là ĐBQH thì cần phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng và phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã nói trước dân.

Trong khi chúng ta đang rất nỗ lực hướng đến xây dựng Chính phủ liêm chính, công khai, minh bạch, trên tinh thần là một QH hành động, thì ĐBQH cũng phải chịu sự giám sát của người dân trong việc thực hiện chương trình hành động của mình.

Thu Hằng - Hồng Nhì