- Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, về mặt thông tin không sai nhưng về mặt đạo đức không phải cứ thông tin nào cũng đưa lên mặt báo...

Chất vấn Bộ trưởng TT&TT, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Báo giấy và báo mạng có nhiều bài phản ảnh góc độ tiêu cực tác động tiêu cực đến xã hội. Những bài báo tích cực để tác động vào đời sống xã hội chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Vậy Bộ làm gì để đáp ứng yêu cầu đó của hoạt động báo chí hiện nay?”.

{keywords}

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng)

Đáp lời, Bộ trưởng nhìn nhận tình trạng nhiều báo, nhất là báo điện tử khai thác nhiều vụ án chủ yếu lấy từ kết quả điều tra về các vụ án tiêu cực, án mạng tạo cảm giác nặng nề. Trong các cuộc giao ban, Bộ nói rất nhiều tình trạng cướp giết hiếp, bỏng mắt, đắng lòng.

Khi viết vụ án mô tả chi tiết tình tiết tăng nặng, khi viết về tai nạn càng thảm khốc càng thích, khi viết về thiên tai càng nặng nề tỏ ra bài báo có giá trị.

“Đây là cách làm báo không đúng đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Năm 2015 xảy nhiều vụ giết người man rợ như vụ Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái,… Ngay khi xảy ra các vụ án, Bộ đã có chỉ đạo thông tin trung thực, không bóp méo nhưng không mô tả hành vi man rợ, không mô tả kẻ thủ ác như người hùng.

Nói về tình trạng đăng phát những phát ngôn không đúng chức năng gây hiệu ứng xấu xã hội, Bộ trưởng cho biết, Bộ tiếp tục xử lý nghiêm khắc và xử lí cả lãnh đạo báo chí nếu để xảy ra sai phạm.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

“Với việc chỉ đạo thường xuyên và kịp thời, thông tin báo chí về các vụ án gần đây cơ bản thực hiện đúng quy định, làm mờ hình ảnh giết người không để như trước, không khai thác các tình tiết rùng rợn”, Bộ trưởng TT&TT nói.

Trong thời gian tới bộ phối hợp Ban Tuyên giáo TƯ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí về vấn đề này và tăng cường thanh tra, kiểm tra để các cơ quan báo chí đi đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ tốt hơn công tác thông tin như kiến nghị cử tri.

“Một điều chúng tôi hay nói với các cơ quan báo chí, xét về mặt thông tin không sai nhưng về mặt đạo đức không phải cứ thông tin nào cũng đưa lên mặt báo. Có những nội dung vì đạo đức không thể đưa lên mặt báo”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.

Không bao che

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu có nhiều ý kiến cử tri Bộ TT&TT vừa cơ quan quản lý nhà nước, vừa quản lý trực tiếp cơ quan báo chí như báo VietNamNet, Infonet, các công ty hạ tầng truyền thông như VTC, Mobifone. Vậy việc quản lý, xử lý như thế nào để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi?".

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) 

Bộ trưởng cho biết, cần phải phân biệt rạch ròi giữa chức năng quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản. 

“Nếu nói như thế thì Bộ GTVT không được tham gia giao thông”, Bộ trưởng nói. Việc Bộ có cơ quan báo chí cũng giống như các bộ ngành khác có cơ quan báo chí trực thuộc.

“Bộ không thấy có mâu thuẫn nào trong việc này. Vì quan điểm là phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước khi thi hành công vụ với chức năng là cơ quan chủ quản của một tờ báo”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ xử lý công bằng, không bao che, thậm chí còn xử lý nghiêm hơn, kiên quyết hơn với các cơ quan báo chí của ngành vi phạm. Coi đó là tình tiết tăng nặng so với các cơ quan báo chí của các bộ ngành khác.

Ông dẫn chứng trong năm 2016, liên quan vụ nước mắm chứa thạch tín, 2 báo của Bộ đều bị xử lý vi phạm hành chính, trong đó Infonet bị xử lý vi phạm mức 2, nặng nhất. Ngoài phạt tiền còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan, trong đó 1 phóng viên bị thu thẻ, 1 phó tổng biên tập bị cảnh cáo, thu thẻ, tổng biên tập bị khiển trách.

“Gần đây nhất vào tháng 2/2017, Bộ đề nghị Infonet xử lý nghiêm khắc phóng viên viết bài thông tin sai sự thật, và phóng viên này bị buộc thôi việc, thu thẻ nhà báo theo quy định và xử phạt vi phạm hành chính”, Bộ trưởng thông tin.

Với chức năng là cơ quan chủ quản, Bộ trưởng khẳng định "không có chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi".

Phát biểu cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lo ngại về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam đứng đầu thế giới về tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện; đứng thứ 10 thế giới về tỉ lệ lây nhiễm qua hình thức trực tuyến; top 3 tổng số lượng thư rác nhưng chia bình quân đầu người thì đứng thứ nhất.

“Việc mất an toàn an ninh mạng vô cùng nguy hiểm, không chỉ lộ thông tin, mà có thể bị nắm quyền hệ thống, đánh sập hệ thống, gây khủng hoảng rất lớn về kinh tế, xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông đề nghị tới đây, việc bảo đảm an toàn an ninh mạng phải làm mạnh mẽ hơn, đặc biệt ý thức người sử dụng.

Thu Hằng - Thúy Hạnh