- Tôi đi họp với tinh thần rất sảng khoái, không nghĩ nghe nói ngược thế này - Bộ trưởng KH&ĐT nói khi nghe đại diện một số bộ, ngành góp ý về dự thảo luật Quy hoạch tại phiên họp UB Thường vụ QH sáng nay. 

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các bộ ngành phải thống nhất nguyên tắc làm việc. Dự thảo luật đã được Chính phủ bàn rất nhiều lần và cuối cùng đã lấy phiếu, đầy đủ điều kiện mới trình ra QH.

{keywords}

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Vì vậy, khi trình ra QH thì các ý kiến không chính thức của Chính phủ chỉ để tham khảo, chứ các bộ ngành lại nói ngược, nói khác là trái nguyên tắc làm việc, như vậy không bao giờ làm được cả.

Đã nhiều lần Thủ tướng phê bình

“Thủ tướng đã phê bình các bộ về việc này rất nhiều lần. Bàn chán rồi ra QH lại nói ngược. Tôi không nghĩ hôm nay, các bộ lại nói lại như thế. Hôm nay, tôi đi họp với tinh thần rất sảng khoái, không nghĩ nghe ý kiến nói ngược thế này”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Theo ông, trước một thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết bất cập chắc chắn có động chạm quyền lực, lợi ích của một số cơ quan, một nhóm người nào đó. Cơ quan đó, người đó có thể chưa hiểu hết nên chưa đồng tình gây nên sự trì trệ, chậm chạp" - Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ.

Cho rằng ý kiến trái chiều là bình thường, cái nào đúng thì tiếp thu, sai thì sửa, nhưng ông Dũng cũng lưu ý: “Tôi nói rất nhiều lần, giảm các quy hoạch ngành, giảm xin cho đi nhưng giờ mỗi bộ lại một ý kiến tôi cho là không phù hợp”.

Dẫn trường hợp Bộ NN&PTNT nói cần có quy hoạch biển kiểm soát kiểm dịch động vật, ông khẳng định, điều này là không phù hợp. "Chỉ cần khi nào có dịch thì lập lên, hết dịch rồi bỏ đi, việc gì phải làm quy hoạch cứng”.

Phải mạnh dạn điều chỉnh, chỉ lấy những quy hoạch thực sự cần, còn lại bỏ đi. “Đó như là một cuộc cách mạng”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hay như quy hoạch không gian biển, các nước đều có, chỉ cần tập hợp hai quy hoạch của Bộ TN&MT đang làm hiện nay cho phù hợp thông lệ quốc tế.

“Chỉ có thế thôi mà rất ngại thay đổi!”, Bộ trưởng Dũng nói.

Phải lắng nghe ý kiến khác nhau

Góp ý dự thảo luật Quy hoạch, hầu hết các bộ ngành như: Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT… đều nêu ra những ý kiến trái chiều, không đồng nhất với dự thảo.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa lo lắng khi dự thảo thay đổi tên gọi, gây khó khăn cho việc triển khai sau này.

“Đưa ra tên mới, bản thân chúng tôi cũng không nắm được, khó khăn trong quá trình thực thi sau này, giao cho làm cũng chưa biết làm thế nào", bà Hoa đề cập việc dự thảo đưa ra quy hoạch không gian biển.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng băn khoăn về quy định xóa bỏ xã hội hóa trong lập quy hoạch. 

“Tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, đặc biệt ở miền núi, nếu xoá bỏ kinh phí xã hội hoá lập quy hoạch sẽ rất khó khăn. Nên cân nhắc quy định chỉ dùng ngân sách lập quy hoạch”, ông Toàn lưu ý.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng góp ý việc quy định cứng quy hoạch cấp dưới phải theo quy hoạch cấp trên có thể làm chậm sự thay đổi.

Ông cũng băn khoăn về việc dự thảo quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn... có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn quy hoạch lớn, quy hoạch của TP, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, tỉnh...

“Luật Đô thị và luật Xây dựng bao giờ cũng có tầm nhìn xa, nếu lập lại quy hoạch sẽ tốn rất nhiều kinh phí”, ông Toàn nói.

{keywords}

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Thấy nhiều bộ ngành còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo này không phải lần đầu tiên cho ý kiến, cứ ra UB Thường vụ QH là ý kiến khác nhau rất nhiều, các bộ ngành còn bức xúc thì chưa ổn.

“Chúng ta phải lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình làm luật, phải quan tâm xem xét lại cho kỹ”, Chủ tịch QH nói.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý: “Chúng ta cần một quy hoạch tổng thể mang tính quốc gia. Các ngành ngồi lại với nhau để ra một cái chung. Ví dụ cảng biển tràn lan như thế thì có lãng phí không? Quá lãng phí chứ, thì giờ rà lại xem một cách tổng thể”.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhận định: “Bộ KH&ĐT như một nhạc trưởng, các bộ ngành phải làm theo mới thành công. Bộ ngành còn ý kiến thì chưa được”.

Thu Hằng