- Từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ sót lại. Trong số 8.515 nạn nhân có đến 31% là trẻ em, 3.421 người thiệt mạng và bị thương hơn 5.000 người.

Nguyên nhân tai nạn do bom mìn cũng được xác định do sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân cũng như việc mua bán bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh tràn lan mà thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Đăng Khiêm - Phó Trưởng phòng Việc làm & Tai nạn lao động (Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị) cho biết, trách nhiệm của Sở là nắm số liệu chứ không quản lí các lĩnh vực liên quan đến thương mại, mua bán bom mìn, vật liệu nổ.

{keywords}
 Vỏ một quả bom đại trong vựa phế liệu của người dân Quảng Trị. Ảnh: Quang Thành 

Ông Khiêm cho rằng, chức năng của Sở là tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để giúp người dân phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, trong đó có tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ “chứ không phải cơ quan quản lí chuyên biệt” (?!)

Cũng theo lời ông Khiêm, trên địa bàn Quảng Trị xuất hiện tình trạng thu mua phế liệu, trong đó có các vật liệu thời chiến tranh như bom, mìn, đạn pháo thì trách nhiệm quản lí thuộc chính quyền cấp cơ sở.

“Nếu có tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ xảy ra, Sở có chịu trách nhiệm hay không thì vấn đề này...chúng tôi đang nghiên cứu”! - theo lời ông Khiêm.

Ông Nguyễn Đức Quang - PGĐ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cho biết Sở này đang xây dựng đề án trình UBND tỉnh xin phê duyệt kế hoạch rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh giai đoạn 2016 - 2020 để phấn đấu giảm thiểu tối đa mối nguy hại do bom mìn sau chiến tranh để lại.

Cũng theo ông Quang, về công tác rà phá bom mìn hiện nay, ngoài chương trình của Chính phủ tài trợ thì tỉnh Quảng Trị cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế.

Quang Thành