- ĐB Hà Nội chỉ ra số lượng trang tin điện tử hiện đang gấp đôi báo chí chính thống, chỉ chuyên 'ký sinh' nội dung, dẫn đến tình trạng "người làm thật thì ăn giả, người làm giả thì ăn thật".

Thảo luận dự thảo luật Báo chí tại QH sáng nay, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) lưu ý sự "bành trướng" của truyền thông xã hội đang làm thay đổi địa vị của báo chí chính thống.

Ông mô tả, chỉ với một chiếc điện thoại, người sử dụng có thể trở thành một tòa soạn, tờ báo, trường quay, thậm chí một sạp báo. Công dân nào cũng có thể trở thành một phóng viên, biên tập viên, thậm chí tổng biên tập.

Điều này dẫn đến thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, tức là cách tìm, xem, mua tin, nên việc trao đổi, phản hồi thông tin cũng khác. Sự bùng nổ thông tin trên internet khiến nhiều thông tin không được kiểm chứng, tạo cạnh tranh thiếu lành mạnh với báo chí. 

"Một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống mà ngả sang thông tin trên mạng", ông phản ánh.

Ông trọc đầu tự do?

Kinh tế báo chí cũng bị ảnh hưởng, theo ĐB Hà Nội, thể hiện ở số sạp báo ở các thành phố lớn giảm mạnh. Nhưng dự thảo luật Báo chí lại gần như tránh đề cập đến truyền thông xã hội, "tập trung túm ông có tóc mà trọc đầu thì chưa".

{keywords}
ĐB Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Hoàng Long

"Kinh nghiệm cho thấy, khi có một vụ việc nào đó, trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng, dừng chưa đưa thì truyền thông xã hội lại cày xới. Đến khi báo chí chính thống đưa tin, bạn đọc đâu còn kiên nhẫn để chờ đọc. Lâu dần, báo chí mất bạn đọc, không chỉ làm báo chí sa sút, suy yếu mà còn làm tác dụng tuyên truyền giảm sút", ông Thường nói.

Một vấn đề dự thảo luật theo ĐB đề cập mờ nhạt là vấn đề vi phạm bản quyền báo chí. ĐB cho rằng, tình trạng đạo tác phẩm báo chí đang diễn ra thường xuyên, liên tục mà chưa có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là vi phạm nhiều nhất, nhưng một số cơ quan báo chí cũng chạy theo trào lưu này.

"Sự tồn tại phi lý của các trang tin có ý kiến cho là 'quái thai dị dạng', có nguyên nhân là điều kiện cấp phép, họ được sao chép từ 5 tờ báo, nhưng trên thực tế là họ sao chép khắp nơi mà do số lượng các trang này quá nhiều nên khó ngăn chặn. 

Các trang tin này thế là 'ký sinh' trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngon ngọt nhất mà không mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào", ĐB Hà Nội chỉ ra số lượng trang tin điện tử hiện đang gấp đôi báo chí chính thống, dẫn đến tình trạng "người làm thật thì ăn giả, người làm giả thì ăn thật".

Ông Nguyễn Phi Thường yêu cầu xóa bỏ khái niệm "trang tin điện tử tổng hợp", chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí.

ĐB Hà Nội cũng lo khi báo chí đang phải chạy bằng hai chân: hành chính và doanh nghiệp - vừa phải đảm báo chức năng tuyên truyền, vừa phải lo tự chủ tài chính.

"Hai chân đôi khi không cùng hướng, đôi khi giẫm lên nhau, khó tiến lên. Nếu không tháo gỡ, báo chí không có cơ hội phát triển mạnh mà ngay cả những tồn tại cố hữu như làm ăn chộp giật, nhũng nhiễu doanh nghiệp, xào nấu sản phẩm, ăn cắp nội dung... cũng không được giải quyết mà còn tái phát. Hai chân khập khiễng nên báo chí khó đứng vững, chưa nói đến đi và chạy", ĐB Hà Nội cảnh báo.

Nhà báo không chỉ là người có thẻ

Chủ tịch Tổng LĐ Lao động VN Đặng Ngọc Tùng lấy kinh nghiệm bản thân để góp ý về thủ tục hành chính với báo chí: Quản lý báo chí chỉ nên quản lý người đứng đầu cơ quan báo chí. 

{keywords}
Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN Đặng Ngọc Tùng. Ảnh: Minh Quang
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phản ánh ý kiến cử tri về việc cùng một việc có đến mười mấy tờ báo đưa tin, giật tít giật gân, cần chấn chỉnh.

"Dự thảo chưa đánh giá số lượng báo chí như hiện nay là nhiều hay ít, đủ chưa, cần thêm hay bớt đi, cũng chưa liên hệ với đề án quy hoạch báo chí", ông Sơn nói.

Ông Sơn kiến nghị dự thảo quy định rõ nhà báo là một nghề, chứ không chỉ quy định về những người có thẻ. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ nhà báo cũng chưa đủ, chưa bao quát hết các tình huống các nhà báo bị đe dọa, giúp nhà báo vượt qua những cám dỗ trong nghề nghiệp.

Đứng lên phát biểu lần hai, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu đồng tình nhận định "thẻ không làm nên nhà báo", vì tồn tại những đối tượng là cộng tác viên lâu năm, có năng lực, có nhiều tác phẩm được đăng phát.

Ông cũng nhấn mạnh việc cải chính của báo chí. Theo ông, việc dự thảo quy định báo chí phải cải chính "khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung báo chí đăng phát" là chưa thỏa đáng.

"Cơ quan nào, chỉ đạo hay quản lý hay điều tra hay Viện kiểm sát hay Tòa án..., phải quy định chặt chẽ. Nếu cơ quan nào cũng có quyền ra văn bản bắt nhà báo cải chính là không đúng", Chủ tịch Hội Nhà báo VN nói.

Chung Hoàng