- 33 năm làm nghề dự báo thời tiết, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia từng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười, thậm chí có lần bị bắt đền giặt lại chăn.

Mặc theo dự báo là... ốm sạch

Dành ít phút thảnh thơi cuối năm nhìn lại nghiệp dự báo suốt 33 năm qua, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia Lê Thanh Hải nhắc lại câu nói vui của anh em trong ngành: “Nắng mưa là chuyện của trời/Chúng tôi dự báo tạm thời thế thôi”.

Ông bảo, cũng vì lỡ miệng đọc 2 câu thơ này khi giới thiệu về mình trên chương trình Ai là triệu phú cách đây 6 năm mà sau đó ông bị các bô lão mắng “xơi xơi”.

“Tôi cũng kể trên facebook rằng cơ quan dự báo thời tiết nước Anh có chuyện vui khi yêu cầu các dự báo viên ăn mặc đúng với các bản tin dự báo của các ông ấy, sau 1 tuần, nhân viên lăn ra ốm sạch”, ông Hải cười tươi kể.

{keywords}
Ông Lê Thanh Hải chia sẻ nhiều kỷ niệm khó quên trong nghiệp làm dự báo thời tiết. Ảnh: T.Hạnh 

Ông ‘chốt’ dự báo vẫn chỉ là dự báo mà thôi, không có dự báo chính xác mà chỉ có dự báo gần đúng. Chính xác nhất chỉ có dự báo trời sáng, tối.

Biết ông Hải làm nghề bắt bệnh cho Trời, cả khu phố dành cho ông sự “quan tâm đặc biệt”, hễ gặp ai cũng hỏi thời tiết hôm nay thế nào.

Các cụ trong ngõ gặp là hỏi trời sắp có gió mùa chưa, sao tôi thấy đau nhức tay chân thế? “Tôi đùa, nếu dựa vào đau nhức mà dự báo được đúng thì con mời cụ lên để dự báo thời tiết”.

Với hàng xóm, nếu gặp trên sân thượng là hỏi hôm nay phơi chăn trong hay ngoài hả chú? Ông bảo nếu hôm nào không chắc lắm, cứ khuyến cáo phơi trong mái hiên cho yên tâm.

Cẩn thận là thế, nhưng vẫn có... sự cố. Một ngày đẹp trời, đồng nghiệp cùng trường mầm non của bà xã nhờ hỏi mai trời nắng hay mưa để mang chăn ra phơi.

“Dự báo đúng là hôm sau trời nắng nên nhắn bà xã báo lại. Nhưng hôm sau trời đổ mưa, xong họ bắt đền 2 vợ chồng đến giặt lại chăn”.

Ông bảo nhiều nhân viên của ông cũng từng gặp những câu chuyện dở khóc dở cười tương tự.

Ông Hải gọi đây là nghề nhạy cảm, thường xuyên nhận được những phàn nàn, trách cứ nên nói vui với nhân viên ít đọc phản hồi trên các báo.

“Ngay cả bạn bè hay gặp cũng trêu tôi, phàn nàn các ông dự báo kiểu gì mà mây thay đổi. Mây có bao giờ đứng yên đâu?”, ông Hải vui vẻ kể.

“Cuộc chiến” giữa bố vợ và con rể

Ông Hải chia sẻ, trong suốt hơn 3 thập niên làm nghề, ông tham gia 2 “cuộc chiến”.

Gần đây nhất là “cuộc chiến” ngay tại gia đình. Nhà có 2 cô con gái nhưng không ai theo nghiệp của cha. May mắn ông có chàng rể là đồng nghiệp, là tiến sĩ khí tượng, hiện nghiên cứu phát triển những mô hình dự báo hiện đại tại Nhật Bản.

Từ đây trong gia đình có một "cuộc chiến" âm thầm giữa 2 thế hệ khí tượng trẻ và già, giữa chủ quan và khách quan, giữa những người có kinh nghiệm và có khoa học.

{keywords}
Ông Lê Thanh Hải trong một chuyến công tác tại nước ngoài

“Những người có kinh nghiệm như tôi chủ yếu theo phương pháp chủ quan, cảm nhận cá nhân nhưng con rể bảo chắc gì phương pháp đó đã chính xác hơn”, ông Hải chia sẻ.

Dẫn chứng siêu bão Haiyan năm 2013 khi đổ bộ vào Tacloban, Philippines gây ra mực nước dâng khủng khiếp lên tới 7,5m, ngang sóng thần.

“Tôi hay các đồng nghiệp ở Philippines bằng phương pháp truyền thống chỉ đưa ra được mức cảnh báo cao nhất là 3,8m bằng mốc lịch sử trước đó, có người đưa ra được 5m. Nhưng khi học ở Nhật, con tôi cho biết họ có những mô hình tương tác đưa ra các thuật toán, mô phỏng, tính được độ cao của nước dâng là 7,5m”, dù bị dẫn trước nhưng ông bảo “cuộc chiến” còn tiếp tục.

Theo ông, trong tương lai, khi áp dụng những mô hình hiện đại này sẽ tính toán được sát mức độ nguy hiểm của thiên tai, giúp người dân chủ động trú tránh.

Cách đây 19 năm, ông Hải cũng từng tham gia một “cuộc chiến” khác tại cơ quan khi là thành viên của dự án cơ quan dự khí tượng thuỷ văn không giấy, thay thế phương pháp dự báo tính toán truyền thống trên giấy tờ, sổ sách.

Thời điểm đó, Việt Nam vừa có internet, cơ quan khí tượng là một trong những đơn vị đầu tiên được ưu tiên đấu nối để tiếp cận với các phương pháp dự báo hiện đại.

“Phe phản đối chiếm ưu thế. 4-5 thành viên trẻ tuổi phải hoạt động bí mật tại cơ quan, âm thầm nghiên cứu, đưa ra những dự báo để đối chiếu với nhóm truyền thống, khẳng định tính ưu việt của mô hình hiện đại”, ông Hải hồi tưởng.

Sau đó hơn 1 năm, nhóm bí mật được hoạt động chính thức, dần khẳng định công nghệ dự báo hiện đại là không thể thiếu trong tác nghiệp, đưa các sai số dự báo, phương pháp dự báo và các sản phẩm dự báo của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực.

Ông chia sẻ, được tham gia dự án dự báo không giấy là cuộc cách mạng trong sự nghiệp của ông, nhưng mới đây cậu con rể tiếp tục làm ông “sốc” khi thông báo trong 10-20 năm tới, các nước phát triển sẽ xây dựng các cơ quan dự báo không người, toàn bộ máy tính, robot sẽ làm tự động với các hệ thống quan trắc phi truyền thống.

“Ngày đó họ phản đối vì ngại thay đổi và cho rằng cái mới là viễn tưởng, viển vông. Khi đang ở ‘cuộc chiến’ thứ 2, tôi lại giống những người từng phản đối dự án kia, cũng có chút hoài nghi. Nhưng tre cứ già còn măng cứ mọc”, ông Hải vui vẻ thừa nhận.

Thúy Hạnh