- Có đến 4 bộ trưởng đăng đàn trước QH ở phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay (28/10) để giải đáp 'nóng' các phát biểu trước đó của đại biểu. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã trấn an về nợ công.


Sẽ quản lý nợ tốt hơn

Nhắc lại các thông số về nợ của Việt Nam, Bộ trưởng Huệ cho rằng, so với các nước, nợ của Việt Nam khác.

Trong khi các nước phần vay thương mại nhiều thì cơ cấu nợ của Việt Nam chủ yếu là ODA, chiếm 75%, vay thương mại chỉ 7%.

Với các khoản vay ODA, thời gian vay nợ dài, lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay với lãi suất 0,75%/năm, thời gian 40 năm, ân hạn 10 năm. Nhật Bản ở mức lãi suất 1-2%, mà hầu hết là khoảng 1%, thời gian 30 năm, ân hạn 10 năm.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Cùng với tái cấu trúc kinh tế, quản lý nợ sẽ tốt hơn

Trong nợ Chính phủ, nợ nước ngoài 58%, và đang giảm dần. Nợ trong nước 42%, và đang tăng lên.

Cơ cấu này đã và sẽ có thay đổi. ODA ưu đãi giảm dần, vay thương mại có xu hướng tăng lên.

Vốn ODA và vay nợ công của ta tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng: quốc lộ 5, 10, 18, đường xuyên Á TP.HCM, cảng Cái Lân, hàng loạt cầu ở TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long.

Việc vay nợ của Việt Nam chủ yếu dành cho đầu tư, góp phần cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được 7,5%/năm, cao hơn các nước.

Hơn nữa, phương pháp tính nợ của Việt Nam với các nước cũng khác, ông Huệ cho hay. Việt Nam tính nợ theo giá trị danh nghĩa, nghĩa là nếu tính theo đồng tiền hiện tại thì tỉ lệ nợ công còn thấp hơn.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020 để trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ đang xây dựng kế hoạch trung hạn và đề án cụ thể thực hiện chiến lược này một khi chiến lược được thông qua.

Ông Huệ cũng khẳng định, số liệu về nợ công được cập nhật 3 - 6 tháng một lần, Chính phủ cũng đang chỉ đạo và tích cực đàm phán vay nợ ODA, vay ưu đãi, thuyết phục tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của các đại biểu cho rằng, quan trọng là việc trả nợ như thế nào.

Mỗi năm, phần trả nợ của Việt Nam chiếm 14-16% ngân sách nhà nước. Thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30%.

Ông tin tưởng, cùng với tái cấu trúc kinh tế, quản lý nợ sẽ tốt hơn. Chúng ta không lạc quan nhưng không nên quá lo lắng về nợ công.

Điều chỉnh cách tính bội chi

Trước băn khoăn của các đại biểu về việc cần tính trái phiếu chính phủ vào bội chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, đúng là thông lệ quốc tế, phần này được tính vào phần vay và trả nợ. Thế nhưng, thông lệ quốc tế lại không tính phần trả nợ gốc.

Nếu đưa trái phiếu Chính phủ vào, loại trừ trả nợ gốc ra, bội chi 2012 là 4,1%, 2015 chỉ 4% thôi.

Vẫn đề nghị Quốc hội thông qua phương án nợ và bội chi như tờ trình của Chính phủ, ông Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ sẽ rà soát để điều chỉnh cách tính cho phù hợp thông lệ quốc tế.

Trước đó, ĐB Trần Hoàng Ngân, TP.HCM bày tỏ lo lắng: Đến cuối năm 2011 nợ công của chúng ta sẽ ở mức 54,6% GDP -  theo tôi là rất cao và cần có những cảnh báo, vì nhìn sang các nước, nợ công của Thái Lan là 44%, Indonesia 39,7%, Philippines 47,3%.
“Cách đây 3 năm, các nước châu Âu cũng nói nợ công an toàn, vậy mà họ đang vỡ nợ”.
Theo ĐB Ngân, tư tưởng nợ công an toàn của Chính phủ đã làm cho 63 tỉnh, thành và 49 cơ quan trung ương năm nào cũng chi vượt dự toán ngân sách.


Những năm gần đây, món nợ công đã tăng nhanh một cách đáng ngại, khoảng 25% tính từ năm 2007 đến cuối năm 2011, tức là trung bình tăng 5% mỗi năm. Số liệu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: nợ công 2007: 33,8% GDP, 2008: 36,2% GDP, 2009: 41,9%, 2010: 56,7% GDP và 2011 dự báo 58,7% GDP.


Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng