Giữa một Sài Gòn nổi tiếng phồn hoa, sôi động, con người lúc nào cũng tấp nập, đang chạy đua từng giờ từng phút để mưu sinh kiếm sống hàng ngày. Đâu đó trên đường phố, hẻm nhỏ xuất hiện bình trà đá, tủ thuốc, bánh mì, cắt tóc, sửa giày...với lời chú thích "miễn phí" khiến người đi đường không khỏi lặng người, cảm kích. Đó là những "món quà" tình người trên phố chỉ có ở Sài Gòn. 

{keywords}
Đầu hẻm 96 Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận), nhiều người hay gọi là "hẻm ông Tiên" bởi nơi đây có hàng loạt dịch vụ như: trà đá, tủ thuốc, dịch vụ mai táng...miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn
{keywords}

Hàng ngày ông Đỗ Văn Út (54 tuổi) đổ nước trà pha sẵn vào bình giữ nhiệt để bà con lao động nghèo dừng chân uống ly nước, tiếp tục cuộc sống mưu sinh 

{keywords}

Hàng ngày ông Út phải dậy từ 4h30 phút để nấu hơn 70 nước lít nước phục vụ bà con. Ông cho biết, mình từng bôn ba kiếm sống, thấu hiểu nỗi vất vả của những người lao động đường phố. Một ly nước mát mời nhau khi khát, khi trời nắng nóng cũng là cách chia sẻ tấm chân tình... 

{keywords}

Công việc hàng ngày của ông Út là sửa xe máy và chạy xe ôm; đôi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người đàn ông này cũng sẵn sàng giúp đỡ miễn phí...

{keywords}

Anh Hoàng (26 tuổi), làm nghề sửa chữa điện nước chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng đi ngang qua đây, giữa trưa nắng gắt mà được ly trà đá của chú Út thì thật đã..."

{keywords}

Không chỉ trà đá miễn phí, người đàn ông này còn thiết kế một tủ thuốc lưu động, treo ở đầu hẻm phục vụ bà con; ai đau ốm cần thuốc gì ông đều mang ra chia sẻ... {keywords}

Đủ các loại thuốc: cảm sốt, đau đầu, giảm đau...Số thuốc này ông được các nhà thuốc xung quanh "tài trợ" khi biết đây là nghĩa cử: tủ thuốc phục vụ người nghèo

{keywords}

Chưa hết, con hẻm này còn có dịch vụ trợ táng miễn phí. Những ai có hoàn cảnh khó khăn đến đây nhờ ông Út liên hệ cơ sở mai táng (chỗ người nhà) giúp đỡ...

{keywords}

Không cần bảng hiệu, bình trà đá đặt ngay cầu Lê Văn Sỹ - Hoàng Sa (Q3) cũng là địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo hàng ngày đến uống nước miễn phí

{keywords}

Tấm biển dẫn đường...miễn phí của anh Bờm đặt góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (Q3) để chỉ đường cho những ai ở xa tìm đến bệnh viện Từ Dũ. Hành động này khiến nhiều người đi đường không khỏi ngạc nhiên, cảm kích... 

{keywords}

Tại góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) có tấm biển sửa xe cho người khuyết tật, bơm vá miễn phí của bác Phạm Văn Lương, nhằm chia sẻ phần nào cho những người không may mắn... 

{keywords}

Hết nước uống miễn phí là tới đồ ăn...miễn phí ở Sài Gòn. Thùng bánh mì từ thiện được đặt trên vỉa hè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, P.24, Q. Bình Thạnh, bên trên có dán dòng chữ "Từ thiện - miễn phí - một người một ổ".

{keywords}

Ông Thảo (56 tuổi, bán vé số) cho biết: "Từ ngày có xe bánh mì từ thiện này, ngày nào tôi cũng ra đây lấy để ăn sáng, tuy chỉ là một ổ bánh mì thôi nhưng cũng đủ lót dạ khi đi làm"

{keywords}

Tại một góc của con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), người thợ sửa giày với dáng người nhỏ bé, gầy gò tên Cường (18 tuổi) vẫn đang cặm cụi với công việc khâu may hàng ngày. Phía trước tủ giày là tấm bảng: "Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị" 

{keywords}

Giữa cái đô thị chật chội và bộn bề như Sài Gòn, những tấm lòng và việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa giúp chúng ta nhận ra rằng: "Người Sài Gòn vẫn luôn đáng yêu, chân tình đến thế ! "

Đinh Quang Tuấn