- Trò chuyện với VietNamNet, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu”.

‘Phải biết gội đầu’

Thưa ông, nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa qua đã nêu ba vấn đề cấp bách nhất hiện nay trong xây dựng Đảng. Ông nhận thấy sự cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

Trước hết, tôi hoan nghênh tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, mà ở đây, ba vấn đề cấp bách nhất được chỉ ra "đúng và trúng" với những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém chưa được giải quyết, chậm khắc phục, khiến lòng tin của nhân dân đối với Đảng giảm sút trong thời gian qua.

Cần nhớ rằng, di chúc Bác Hồ đã căn dặn sau chiến tranh việc đầu tiên cần làm là củng cố, chỉnh đốn Đảng. Điều này đã được triển khai thực hiện nhưng việc này làm chưa đến nơi đến chốn. Do làm chưa đến nơi đến chốn nên những tiêu cực không được đẩy lùi, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh khiến tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Trong ba vấn đề cấp bách thì vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.


Ông Lê Khả Phiêu: Nếu người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc. Ảnh: Phạm Hải
Điều này thực nguy cho chế độ. Bởi lẽ, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc.

Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Tôi cũng đã nêu nhiều lần rằng vai trò tiên phong "uống thuốc giải bệnh" phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới.

Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước TƯ đã phê bình, tự phê bình đến đâu, TƯ có ý kiến, rồi đến lượt TƯ làm. Nếu ít thời gian thì làm TƯ 4 lần hai, giống như TƯ 6 năm 2003 lần một bàn về nông nghiệp, lần hai bàn riêng về xây dựng Đảng trong 8 ngày.

Trong thư gửi Bộ Chính trị mới đây, tôi đã nói Bộ Chính trị phải làm gương làm mẫu, kiểm điểm cả tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác cán bộ, quan hệ giữa những người đứng đầu các tổ chức, tập thể, cá nhân.

Sự cấp bách TƯ 4 đã tự nhận rõ và tôi đồng tình tuyệt đối. Đó là những cấp bách nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nếu chỉnh đốn Đảng lần này làm không nghiêm thì bộ máy Ðảng và Nhà nước suy yếu, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, với chế độ bị xói mòn.

Việc củng cố, chỉnh đốn xây dựng Ðảng lần này dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc, quyết tâm, mà những căn nguyên, hạn chế đã chỉ ra rồi, giờ quan trọng nhất đó là hành động với những giải pháp, việc làm cụ thể.

Cơ chế giám sát quyền lực

Vấn đề trung tâm nhất như ông đề cập, và cũng là vấn đề trung tâm mà TƯ 4 nhấn mạnh - đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Theo ông, thực trạng này do đâu?

Do căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã trở nên quá nặng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài. Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ. Tiền dễ biến người ta thành tù binh khi mối quan hệ tiền và quyền lực hòa quyện.

Thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng.

Lỗi do chúng ta thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ để giám sát, ngăn ngừa những vi phạm. Những người tốt vẫn đông! Đánh đồng họ sao được với những tác động mặt trái kinh tế thị trường? Anh chạy chức, chạy quyền, thì lòng tự trọng anh đặt ở đâu? Hãy đặt vấn đề tự phê bình và phê bình.

TƯ 4 nêu thực trạng suy thoái nhưng theo tôi cần phải làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị là gì, nghiêm trọng như thế nào. Và TƯ, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Ðảng bộ trực thuộc Trung ương cần tự phê bình và phê bình để làm rõ có hay không có sự mơ hồ, dao động về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vì sao có sự phai nhạt lý tưởng? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Phải chăng đó là sự suy thoái từ ý thức hệ, là sự phai nhạt lý tưởng XHCN?

Không có cơ chế giám sát đồng bộ đầy đủ sẽ khó, khi mà đồng tiền vẫn có thể len lỏi, chi phối. Chống tham nhũng đã trở nên quá cấp bách rồi.

Chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm

Như ông nói thì sự suy thoái bắt nguồn từ quyền và sự chi phối của đồng tiền và yêu cầu phải có cơ chế giám sát. Vậy cơ chế phải như thế nào để có thể kiểm soát quyền lực, thưa ông?


“Bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị phổ biến”. Ảnh: Phạm Hải

Vấn đề chính ở đây là thiếu cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện, không đi vào cụ thể hóa thì nói mãi cùng bằng không. Công tác cán bộ vẫn luôn đánh giá vấn đề ở cơ chế tuyển chọn nhưng đi vào cụ thể hóa thực hiện đến đâu? Hay như sinh hoạt dân chủ trong Đảng đã tốt chưa?

Liệu chúng ta có thể tiến hành chất vấn trong Đảng, thực hiện tiếp xúc đảng viên cơ sở trước các kỳ hội nghị Trung ương, hay hàng năm bỏ phiếu tín nhiệm các ủy viên được Trung ương giới thiệu ra làm các công tác Nhà nước? Đó là những vấn đề cần làm.

Như việc tiếp xúc đảng viên cơ sở trước mỗi kỳ họp Trung ương hoàn toàn khả thi. Quốc hội đã làm được, tại sao Đảng không làm được? Có thể không nhất thiết phải tiếp xúc toàn bộ đảng viên cơ sở nhưng trước mỗi kỳ họp, anh định bàn gì thì xác định tiếp xúc những đối tượng theo những vấn đề định bàn. Không chỉ đảng viên, anh có thể tiếp xúc cả những đối tượng ngoài Đảng như quần chúng nhân dân, nếu vấn đề cần thiết.

Kỳ họp hàng năm cũng có thể chất vấn các ủy viên Trung ương được giới thiệu ra làm chức danh Nhà nước. Hay vấn đề cán bộ phải dân chủ từ tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm công khai, minh bạch.

Bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị phổ biến. Người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ sức đảm đương thì nên thôi, đừng cố nèo. Bản thân anh trước khi ứng cử đã phải nêu chương trình hành động và cam kết thể hiện. Anh thể hiện được thì quần chúng, nội bộ đánh giá tín nhiệm anh để anh anh tiếp tục làm, nếu không làm được thì phải tự rút lui, miễn nhiệm.

Khi những người có tiếng tăm không tốt trong dư luận nhân dân, kể cả trong Đảng, thì cũng nên cân nhắc. Hàng năm nếu thấy có dư luận thì nên đặt vấn đề để người đó nghiêm túc xem xét có sai, chưa tốt thì phải chấn chỉnh, sửa đổi, tiếp thu, không sửa được thì cũng nên thôi. Nên làm như thế để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng. 

Đăng Tấn - Xuân Linh