Cởi chiếc áo quyền lực, về với đời thường, ông vẫn giữ được cái chất hóm hỉnh đồ nho đó. Thế nhưng, câu chuyện về “hội tụ chất xám Việt” của tôi với nguyên Bộ trưởng  TT&TT Lê Doãn Hợp lại bắt đầu không hề… suôn sẻ.

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nổi tiếng một thời với biệt danh “Bộ trưởng cho chữ”, thích thơ ca, thường xuyên đúc kết trong những câu nói ngắn gọn, đầy chất “toán” kiểu 3 nguyên lý, 4 vấn đề, 5 chữ... Nổi tiếng với những câu hóm hỉnh đại loại “chân dài mà đầu ngắn thì rất buồn” hay kiểu nói lái đầy chất Nghệ “Quan ngon không bằng Con ngoan”.

Cựu Bộ trưởng bận đi… xây nhà?!

Tôi hẹn ông có đến 3-4 lần. Lần thì ông bảo đang đi đôn đốc, kiểm tra việc xây nhà tình nghĩa ở các tỉnh. Lần thì ông bảo đang bận đi trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng đội cùng Sư đoàn 5 của mình ở miền Trung. Hơn 2 năm qua, ông kêu gọi và xây cho đồng đội được 34 căn nhà. Lần nào đi trao cũng đầy bùi ngùi thương cảm. Những đồng đội cũ, níu tay ông bảo “Mừng quá, Hợp ơi. Thế là mình có cái chỗ chui ra chui vào tử tế, chỗ trốn mưa trốn nắng rồi!”. Lại có lần gọi điện hẹn gặp, điện thoại yếu sóng. Mãi vài chục phút sau, ông mới gọi lại rằng “Anh đang lên Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An) tặng bà con chút quà Tết nghĩa tình".

{keywords}

Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp và nguyên Tổng biên tập báo Hoa học trò Nguyễn Phong Doanh. Ảnh: H.Anh

Lần cuối cũng là cuối năm con Ngựa, tôi quyết định “bắt cóc” ông: “Em sang mời anh đi ăn cơm, anh không đi thì em không về”. “Ừ thì lên tầng 20 tòa nhà C’land (ngõ Xã Đàn II, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), anh em mình vừa ăn vừa nói chuyện nhé. Chiều anh còn đi nói chuyện chuyên đề ở trường Doanh nhân PTI”. “Ô hay, Bộ trưởng về hưu sao lại bận thế”. Ông cười: “Mình có tý hiểu biết về truyền thông, người ta mời mình cũng là muốn mình truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ”. Lần này, tôi thành công với vụ “úp sọt”. Ông gọi thêm anh Bùi Sỹ Hoa, Tổng biên tập báo Vietnamnet lên tầng 20 ăn trưa. Mấy anh em, mỗi người một đĩa cơm bình dân, câu chuyện đời cũng rôm rả hẳn.

So với thế giới để biết mình đang ở đâu!

Ông có vẻ hơi “căng” khi mở đầu câu chuyện. Rằng “chúng ta phải tự nhìn nhận vị thế của mình. So với nước lớn nếu sợ ngợp, thì ít ra cũng so với các quốc gia lân cận xem mình đang ở vị trí nào”. Nhưng rồi, tư chất một Tư lệnh ngành truyền thông hay “nói vo” được phát huy một cách dí dỏm khi câu chuyện được tiếp tục với một so sánh hết sức thú vị: “Năm ngoái, chúng ta có gần 90 triệu dân với hơn 2 triệu xe ô tô nhưng mà nghe ra quản lý còn nhiều điều bất cập cả quy hoạch, hạ tầng và cơ chế, chính sách. Trong khi đó Cam-pu-chia dân số 14 triệu người, có gần 2 triệu xe ô tô mà mọi việc có vẻ yên ổn hơn. Năm ngoái, du lịch Cam-pu-chia đón tới 4,6 triệu lượt khách, Lào đón gần 3 triệu lượt trong khi chúng ta cũng chỉ đón được hơn 7 triệu lượt khách. Theo ông đó là một điều mà chúng ta cần suy ngẫm.

 Rồi ông ưu tư, rằng “chúng ta đừng tự ru ngủ mình, đừng tự so mình với mình mà phải so mình với thế giới để biết mình là ai, mình đang ở đâu? Mình phải làm gì? Đó mới là tư duy thời đại!”. Ông dẫn chứng một ví dụ về năng suất lao động, rằng Thái Lan đang gấp mình 2,5 lần, Singapore gấp ta 15 lần. Phải dũng cảm nhìn lại mình để có thể “tăng tốc”, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu rất nhánh. Chỉ có hợp lực, trên nền tảng một cơ chế thu hút nhân tài, chúng ta mới bứt phá được, mới thay đổi được vị thế của đất nước trong tương lai gần.

Đừng đào tạo để rồi… mất trắng!

Ông nói rất say sưa về cái gọi là “cuộc chiến chất xám” của thế giới hiện đại. Theo ông, phải nhìn nhận được xu thế chung của thế giới, chúng ta mới có thể có đối sách phù hợp. Câu chuyện thu hút nhân tài hình thành trên thực tế những xu thế vận động của thế giới.  

Xu thế thứ nhất, với ông là “các nước giàu luôn luôn liên kết thỏa hiệp, chi phối để làm giàu trên thân phận các nước nghèo!”. Đây là một thực tế không cưỡng lại được, bởi giàu thì mạnh, giàu thì sang, giàu thì sễ chủ động. Ngược lại nghèo thì yếu, nghèo thì hèn, nghèo thị dễ bị lệ thuộc. Các nước nghèo bắt buộc phải vượt ra khỏi cái ngưỡng nghèo, nếu không, việc tự chủ không dễ dàng, nếu không nói là vô cùng chật vật!

Xu thế thứ hai là Hội nhập đa chiều nhưng kinh tế sẽ đa cực. Tức là, một nền kinh tế thế giới nhấp nhô chứ không phải một cực, hai cực như trước đây. Đó là một xu thế có lợi cho phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng là những chiến lược thu hút nhân tài của mỗi quốc gia có thể khiến quốc gia khác trở nên bất lợi. Ai khéo léo, ai giỏi trong chính sách, người đó sẽ có tất cả! Họ có cái mà những quốc gia khác đã tốn công sức để sản sinh, để đào tạo và cuối cùng là… “mất trắng”!

Xu thế cuối là, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. “Có đấu tranh cục bộ, có đấu tranh diện rộng. Tất cả mọi cuộc chiến tranh của nhân loại đều vì lợi ích. Mình hiểu xu thế để vận động cho phù hợp”. Ông diễn giải rằng, câu chuyện thu hút nhân tài cũng vậy, xu thế của mọi thời đại vẫn là nhân tài đến thì thịnh, nhân tài đi thì suy. Lợi ích của một quốc gia được quyết định trên việc quốc gia đó thu hút được bao nhiêu nhân tài. Tại sao nước Mỹ không đứng ngoài các cuộc chiến tranh lớn lại có thể phát triển nhanh đến vây? Tại sao nước Nhật kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ hai lại có thể tiến lên ngoạn mục? Tất cả vẫn là từ cách đào tạo nhân tài và thu hút chất xám của từng quốc gia.

“Hút chất xám” và chuyện năm Dê có… 3 đặc điểm

Ông có vẻ hùng biện hơn khi gắn câu chuyện thu hút nhân tài với cái “mệnh” năm Ất Mùi. Từng được mệnh danh là “Bộ trưởng cho chữ”, ông khái quát năm con Dê có ba đặc điểm:

Đặc điểm đầu tiên của loài Dê là sống theo bầy đàn. Điều này, với con người đồng nghĩa với tính tập thể, đồng đội, đồng nghiệp. Có phát huy được sức mạnh cộng đồng chúng ta mới cất cánh vươn lên nhanh được. Đó là nguyên lý của phát triển và cũng là một chút “trải nghiệm vui của năm Mùi”

Đặc điểm thứ 2 của năm Mùi là đàn dê luôn vận động có vai trò thủ lĩnh dẫn đường. Cừu, Trâu, Bò có thể chạy thành đàn, dàn hàng ngang để tiến, song Dê bao giờ cũng có con đầu đàn đi trước. Con Dê đi đầu sẽ giữ vị trí hướng dẫn cả đoàn theo sau. Đất nước ta lúc này rất cần vai trò chủ trì, thủ lĩnh, người đứng đầu đủ tâm trí và ngang tầm thời đại.

Đặc điểm thứ ba là, con Dê, khi dồi dào nguyên liệu hay khi cạn kiệt thức ăn, không bao giờ tranh giành nhau. Tính nhường nhịn, chia sẻ sẽ là một trong những yếu tố để cộng đồng ngày càng phát triển. Câu chuyện về thu hút nhân tài cũng vậy. Hãy dẹp sang một bên những đố kỵ, những bất đồng, những trăn trở nghĩ suy vũ lợi theo nhóm để kết nối một vòng tay lớn những gì là chất xám. Đó chính là động lực, là chất xúc tác của phát triển mà năm Ất Mùi chúng ta cần hướng tới. Ông nói vui thêm rằng “Đừng có cái kiểu, hơn mình thì ghét, kém mình thì khinh, ngang mình thì… kèn cựa”!

Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số Vàng”, một cơ hội ngàn năm có một của một quốc gia thường có được sau 30 năm kết thúc chiến tranh. Nếu chúng ta không tận dụng được cái lợi thế chất xám của thế hệ dân số Vàng đó, quỹ thời gian này sẽ trôi đi rất nhanh, cơ hội phát triển sẽ tuột khỏi tầm tay. Thế nên, câu chuyện “hội tụ chất xám” để phát triển càng cần hơn bao giờ hết. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – bia Văn Miếu ngàn năm đã rõ. Nguyên khí này là sự thể hiện mức độ hưng thịnh của một quốc gia nên chúng ta cần phải quy tụ, tôn vinh.

Có vẻ như ông hào hứng khi nói về những “đúc kết”. Bởi, theo ông, một điều đáng để lưu tâm là, thực tế đã cho thấy rằng, “từ ngàn xưa đến nay, chỉ có người tài mới quy tụ, mới tập hợp được người tài. Người có tài dễ phát hiện ra người tài, dám dùng người tài và bảo vệ người tài. Cái tài của người lãnh đạo là tập hợp được cái tài của người khác.

Rồi ông kết luận rằng, tất cả những điều đó là cơ sở để Việt Nam bứt phá khỏi cái bẫy thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam cất cánh sau một thời gian dài chịu chung những hệ lụy của khủng hoảng kinh tế thế giới!

Năm 2015 sẽ còn nhiều khó khăn. Những khó khăn đã nhìn thấy trước từ 2014 đó là giá dầu thô giảm kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm. Mỹ đã và đang sản xuất dầu thô từ than đá phiến và với sản lượng, mỗi ngày 10 triệu thùng với giá 40USD/thùng thì riêng việc Mỹ không nhập khẩu dầu đã có thể kéo giá dầu xuống đến thê thảm. Chưa kể, cái gọi là nhà nước IS cực đoan cũng đang “bốc” dầu lên bán để mua vũ khí và phục vụ chiến tranh thì dầu lại càng thừa. Cái khó nữa của chúng ta là thị trường Nga đang xáo trộn. Chúng ta xuất khẩu trong điều kiện đồng Rube mất giá, sẽ phải chịu thiệt hại không nhỏ, trong khi tìm thị trường thay thế không dễ…

Câu chuyện “hút nhân tài” cuối cùng lại được ông “đúc kết” trong một câu rằng “Việt Nam cần làm mười chữ: Khơi trong, hút ngoài, đoàn kết, tiến công, tăng tốc”. Bài học thu hút chất xám, thu hút nhân tài luôn là yếu tố quan trọng cho một tương lai bừng sáng.

Đừng tổ chức các cuộc thi nhân tài cho… thế giới

Nói về “sự cố” hàng chục quán quân của một cuộc thi nhân tài ở đội ngũ trẻ (học sinh PTTH) kiểu “Đường lên đỉnh Olympia” ra nước ngoài du học rồi không trở về, ông Hợp cho rằng, chúng ta đang tổ chức nhiều cuộc thi nhân tài để tuyển chọn nhân sự cho… thế giới chứ không phải cho chúng ta! Câu chuyện, theo ông vẫn là cơ chế, là những đãi ngộ cho nhân tài hợp lý mới mong thu hút họ ở lại hoặc “trở về”.

 

Nhân loại bắt đầu từ bài toán lợi ích!

“Nhân loại luôn hành động bắt đầu từ bài toán lợi ích!”. Nói về điều này, ông kể câu chuyện rằng: Thời tôi còn làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, có câu chuyện rất hay về cơ chế chính sách và cách động viên từ lợi ích. Những năm trước khi chưa có cơ chế lợi ích, một nhiệm kỳ chỉ làm được trên 1000 km đường nhựa và bê tông. Khi có cơ chế gắn với lợi ích cụ thể thì 1 năm đã làm được gần bằng cả 1 nhiệm kỳ. Chẳng phải tài giỏi gì, mà chính là chúng ta biết vận dụng cơ chế lợi ích. Ví như muốn có lương thực thì phải có chính sách cho cây lúa, muốn có sản lượng đường thì phải lo cho cây mía, bởi vì chính sách là lợi ích, mà lợi ích là động lực. Vẫn là những con người của ngày hôm qua nhưng cơ chế chính sách hợp lòng dân, hợp sức dân thì sức mạnh từ lòng dân thật khó đo đếm được.

Theo Gia đình &Xã hội