- Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu NHNN bổ sung thông tin liên quan tái cơ cấu ngân hàng để báo cáo Chính phủ trình QH.

Tại phiên thảo luận chiều nay của UBTVQH về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách năm 2015 và kế hoạch 2016, Phó chủ tịch QH bày tỏ nhiều băn khoăn về vấn đề nợ xấu ngân hàng.

"Việc tái cơ cấu mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng nhưng thực chất ngân hàng đó đã âm vài ngàn tỷ thậm chí vài chục ngàn tỷ đồng. Những vấn đề này phải làm rõ thêm mặt được, chưa được trong xử lý nợ xấu, nhất là hiệu quả của công ty xử lý nợ xấu VMC như thế nào", bà Ngân nói.

{keywords}
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Minh Thăng

Phó chủ tịch QH yêu cầu NHNN phải báo cáo bổ sung các thông tin liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng để báo cáo Chính phủ trình QH kỳ họp tới.

Liên quan đến kế hoạch 2016, bà Ngân cho rằng cần cân nhắc kĩ việc nâng mức lương cơ sở, vì nếu năm tới vẫn không điều chỉnh thì 4 năm liền mức lương cơ sở vẫn duy trì ở mức 1.150.000 đồng.

Theo bà Ngân, bộ luật Lao động 2015 đã ghi rõ, phải bảo đảm mức sống tối thiểu, tuy nhiên hiện nay mức sống tối thiểu vẫn chưa đạt. Tiền lương hàng năm nâng cho khu công nghiệp đã cao hơn gấp đôi khu vực công chức, viên chức.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, thị trường lao động Việt Nam đang gặp phải những mâu thuẫn, thách thức từ chính việc tiền lương chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Từ câu chuyện lương giáo viên mầm non vài trăm ngàn, bà Mai đề nghị trong năm 2016 phải điều chỉnh mức lương đối với những đối tượng có lương hưu, người hưởng trợ cấp mất sức lao động, giáo viên mầm non đang có lương, trợ cấp thấp hơn mức lương cơ sở.

Khó kìm nhập siêu

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ông lo lắng nhập siêu có khả năng lớn lên, rất khó kìm dưới 5%. Sau 3 năm xuất siêu, 2015 Việt Nam đã nhập siêu trở lại.

"Bắt đầu tăng trưởng thì phải nhập khẩu nhiều vật tư, nguyên liệu, phụ tùng... Nhập siêu lớn dẫn đến thiếu ngoại tệ, dự trữ xuống thì khó ổn định tỉ giá", Chủ tịch QH lưu ý.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dẫn chứng, trong nhiều năm qua, chúng ta đã phải đi nhập khẩu từ thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc, ngay cả hàng thế mạnh như dệt may, giày dép cũng phải nhập vật tư.

"Để hạn chế nhập siêu cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, đẩy mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ. Phải có chính sách, giải pháp quyết liệt để đỡ nhập siêu, như vậy mới cạnh tranh được. Nếu không các nước sẽ lợi dụng TPP, dựa vào sản xuất của mình để hưởng lợi", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Dự kiến tháng 3, tháng 4 năm sau QH có thể phê chuẩn thông qua TPP, chậm nhất là đến cuối năm 2016 song Chủ tịch QH đề nghị “phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ”.

Trước xu thế hội nhập sâu, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng về tình trạng các doanh nghiệp trong nước sản xuất kém hiệu quả, thiếu bền vững, thậm chí phải đóng cửa trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI ngày càng chiếm tỉ trọng lớn về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu với khoảng 70%.

"Một vấn đề nữa cần phân tích vì có liên quan đến ngân sách. Giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán ban đầu trong khi sản lượng khai thác tăng. Phải phân tích đánh giá cho được, chúng ta tăng khai thác có giảm bớt áp lực cân đối ngân sách nhà nước và góp phần tăng GDP nhưng xét về mặt giá trị, khai thác dầu thô và bán giá thấp như thế thì có lãng phí tài nguyên quốc gia không", bà Ngân đặt vấn đề.

Bà Ngân cũng đề nghị làm rõ hơn những vấn đề kinh tế nổi lên trong năm qua như sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm mạnh.

Thúy Hạnh