- Lệnh bắn phát súng đầu tiên vào Him Lam của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chuyển qua đường liên lạc hữu tuyến (nội bộ).

Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng thông tin, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là tiểu đoàn phó, chỉ huy đội thông tin vô tuyến điện, liên lạc với các đơn vị trong Điện Biên Phủ và tất cả các chiến trường khác.

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Diệp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 3/2014. Ảnh: C.Q

Ông cho biết nói đến thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không nói đến vai trò của hệ thống thông tin liên lạc.

“Cái khó ló cái khôn”

Thiếu tướng Nguyễn Diệp cho biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống thông tin liên lạc được chia làm 2 nhánh lớn: Thông tin hữu tuyến (đường dây liên lạc nội bộ) và hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Hệ thống thông tin liên lạc được tổ chức thành mạng lưới thông tin dày đặc, bao trùm toàn bộ hoạt động của Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các đại đoàn, trung đoàn và các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại trận địa, các binh chủng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh và cả chiến trường nước bạn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Diệp, đối với hệ thống thông tin hữu tuyến, đường dây rải đến đâu thì có tín hiệu đến đó. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để đảm bảo thông tin thông suốt, bí mật thì chỉ tính riêng đường dây hữu tuyến này đã lên tới mấy ngàn km bởi dây được kéo khắp sở chỉ huy, len lỏi vào mọi ngõ ngách để “ẩn mình” an toàn, tránh bị địch nghe trộm.

{keywords}
Những chỉ đạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ được truyền tải qua hệ thống thông tin liên lạc chắc chắn, bí mật. Ảnh tư liệu

Nhớ lại thời điểm diễn ra chiến dịch, Thiếu tướng nói: Hồi đó yêu cầu về đường dây thì rất dài, nhưng nguồn lực của ta có hạn. Quân ta phải tận dụng phần dây cáp mà địch bỏ lại ở chiến trường để mang về dùng lại, bởi địch giàu có đi đến đâu bỏ dây ở đó chứ không tiết kiệm kiểu “con nhà nghèo” như quân ta.

Song số đó cũng không đủ. Để khắc phục, bộ đội ta phải gỡ cả dây thép gai ở hàng rào để dùng song do không có vỏ bọc nên chúng chỉ dùng cho các đơn vị liên lạc gần để thông tin không bị gián đoạn.

“Gỡ dây thép gai - có lẽ cả thế giới không ai làm như thế trong chiến tranh. Đó là cái khắc phục rất lớn của quân đội ta trong hoàn cảnh hết sức khó khăn”, Thiếu tướng Nguyễn Diệp kể lại.

Thông tin hữu tuyến cũng chính là “kênh vận chuyển” những chỉ thị quan trọng, tối mật của chiến dịch. Theo ông, trước khi nổ súng đánh trận mở màn Him Lam, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp đã sử dụng đường hữu tuyến gọi xuống từng đơn vị hỏi về công tác chuẩn bị.

Cũng chính kênh thông tin liên lạc này đã chuyển đi mệnh lệnh lịch sử của Tướng Giáp khi ông phát lệnh bắn phát súng đầu tiên vào cụm cứ điểm Him Lam. “Người ngồi trực tổng đài khi đó là đồng chí Huy Văn trực tiếp nhận thông tin của Đại tướng như đã sẵn sàng chưa, bắn bao nhiêu viên đạn… Quân lực ta có hạn nên Đại tướng chỉ thị bắn bao nhiêu viên thì được bắn ngần đó. Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, liên lạc hữu tuyến đã lập công rất lớn”, ông nói.

“Lính thông tin đeo chữ Thọ”

Đây là câu nói khá quen thuộc trong chiến tranh, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Diệp cho rằng câu nói này chỉ đúng một phần đối với cán bộ công tác ở cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch và chiến sĩ vô tuyến điện báo, còn ở phân đội thông tin cấp tiểu đoàn, trung đoàn và bộ binh thì số cán bộ, chiến sĩ hy sinh cũng nhiều, nhất là chiến sĩ hữu tuyến và chiến sĩ thông tin vận động.

Trong các trận đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều cán bộ chiến sĩ thông tin đã nêu cao gương chiến đấu dũng cảm không quản hy sinh “vì mạch máu thông tin luôn vững chắc”, nhiều chiến sĩ hữu tuyến điện, thông tin vận động tín hiệu đã hy sinh anh dũng để giữ vững liên lạc qua của mở vào các cứ điểm, nhiều chiến sĩ bộ đàm đã bám sát các mũi xung kích dù phải chịu thương vong trong khi làm nhiệm vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Diệp nêu 2 gương tiêu biểu là Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng thông tin Đại đội 127 và Đàm Minh Đức, tổ viên nhận lệnh từ mặt trận phía tây Điện Biên về A1 đảm bảo thông tin liên lạc với sở chỉ huy Trung đoàn bằng vô tuyến điện.

Hai người trên đường đi bị lạc nên phải nhập vào trung đội bộ binh chiến đấu phòng ngự tại mỏm Thia Lia phía Đông Bắc đồi A1.

Nằm giữa vòng vây của địch, suốt 2 ngày đêm, hai người nhịn đói, nhịn khát nhưng kiên cường bám máy vô tuyến điện BC 1.000 liên lạc với cấp trên, gọi pháo binh ta bắn chặn đồng thời cùng bộ binh đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch.

Cẩm Quyên

Kỳ tới: Lán đơn sơ của Tướng Giáp thắng hầm kiên cố De Castries