- Chừng nào bộ máy hành chính còn phình to, hiệu quả công việc kém, cơ chế sử dụng cán bộ không có đột biến, bạn đọc còn thấy bi quan về khả năng cải cách lương.

Hàng trăm độc giả gửi phản hồi về VietNamNet sau khi đọc loạt bài về cải cách lương công chức. Rất nhiều trong số đó là những cái nhìn từ trải nghiệm của người trong cuộc.

Ân hận chọn nhầm

Một công chức tên Thanh Bình biên thư trải lòng rằng, chị “ân hận” vì đã chọn nhầm đường.

Bạn đọc lý giải: “Tôi không tin 9 năm nữa, công chức có thể nuôi được cả nhà khi mà bộ máy hành chính càng ngày càng phình to và hiệu quả công việc rất kém như hiện nay. Cơ chế sử dụng cán bộ mà không có đột biến thì tình hình vẫn vậy. Những người muốn vào Nhà nước thường là “con ông, cháu cha” hoặc an phận muốn tìm sự ổn định. Việc sử dụng và bổ nhiệm cán bộ cũng còn nhiều tiêu cực. Tôi là một công chức, tôi ân hận vì đã chọn nhầm”.

Chia sẻ tâm trạng này, bạn đọc Văn Anh cho hay từng “ôm” hồ sơ gõ cửa 7 cơ quan nhà nước, thấm thía cảnh tấm bằng đại học nhiều khi không cạnh tranh nổi với những người thậm chí chỉ học hết phổ thông, vào cơ quan nhà nước làm hợp đồng và khi có biên chế thì đi học tại chức là “xong”.

Không ít lần xin việc, khó khăn trở ngại mà bạn nêu, đó là những đối tượng cạnh tranh chính là “con em trong ngành” được “sắp đặt đâu vào đấy hết”, từ những ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, kho bạc...

Không ngân sách nào chịu nổi nếu để số lượng công chức ngày càng phình to mà cứ tiếp tục tăng lương. Ảnh minh họa: Bình Minh

Bạn đọc Lan Hương thì phản ánh thực trạng “chân trong là phụ, chân ngoài là chính”, thời gian công chức dùng để kiếm tiền bên ngoài là quan trọng nên mới có chuyện làm việc kém hiệu quả nhưng vẫn hưởng đủ lương.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc ở địa chỉ email nhanhmaiphuongbac2002@... lý giải rằng không có mâu thuẫn nào giữa đồng lương và chất lượng cán bộ, công chức. Lương thấp đơn giản là do hiệu quả công việc thấp.

“Sức lao động và chất lượng lao động của công chức mà đi so với doanh nghiệp trả lương lao động cao thì thấy lương công chức hoàn toàn xứng đáng thôi! Lao động của đại đa số công chức kêu lương thấp đều kém cả về năng suất, chất lượng”.

Bạn đọc viết thêm: “Người làm chính sách luôn bàn kế hoạch tăng lương cho công chức, nhưng chưa thấy cơ quan, tổ chức nào bàn về khía cạnh tăng năng suất lao động của nhóm lao động này! Năng suất lao động không cao mà cứ tăng lương theo lộ trình là đi ngược với quy luật thị trường - tiền lương là giá của hàng hóa sức lao động”.

Minh bạch để không “chạy” biên chế

Trước bất cập về tuyển dụng và sử dụng đội ngũ công chức, bạn đọc Lê Thị Hồng Hà cho rằng cần tinh giản biên chế một cách thực chất, đặc biệt phải có luật tuyển dụng minh bạch để tránh "chạy" biên chế.

Tinh giản biên chế là câu chuyện nói “mãi không xong”. Song bạn đọc Đình Dũng ở Hà Nội cho rằng nếu để tồn tại thực trạng “nhiều công chức gần như không làm gì, trong khi đó những người làm được việc thì lại rất bận” sẽ là bất công lớn.

Để giải quyết, độc giả mạnh dạn đề xuất “cứ 3 công chức thì giảm đi 1 người”, chỉ cần giữ lại 2.

Toàn bộ chi phí gồm lương, chi phí quản lý, văn phòng, cơ sở vật chất (chỗ ngồi, bàn ghế, công tác phí....) của 3 người dồn cho 2 người còn lại. Như vậy thu nhập sẽ đủ để cho 2 người đó yên tâm làm việc - bạn đọc hiến kế.

Bạn đọc ở địa chỉ teresa_dntram@... cũng tha thiết “hãy giảm biên chế và trả mức lương phù hợp với công sức và những đóng góp của lực lượng còn lại”.

Bạn Đức Hùng cũng quả quyết phải nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy cán bộ, công chức, trước khi tính đến chuyện nâng lương. Cần sắp xếp đúng người, đúng việc. Bên cạnh đó, tình trạng cào bằng trong trả lương, sếp cao hơn nhân viên không bao nhiêu, làm tốt cũng như kém à không được.

Độc giả Tư Bình thì ủng hộ việc có tuyển dụng sẽ có sa thải, không có chuyện cứ vào biên chế là không lo bị sa thải kể cả không làm gì.

“Tôi nghĩ giảm khoảng 30% số lượng công chức kết hợp với giảm thủ tục hành chính thì bộ máy nhà nước vẫn hoạt động hiệu quả. Số tiền dôi dư có thể dùng để tăng lương cho số người còn lại. Nếu để số lượng công chức ngày càng phình to như hiện nay mà cứ tiếp tục tăng lương thì không ngân sách nào có thể chịu nổi, lấy đâu ra tiền để đầu tư cho các lĩnh vực khác?” - bạn Tư Bình đề xuất.

Độc giả Phạm Văn Lạng gợi ý ở khía cạnh khác: “Giả sử không có lạm phát và đồng tiền của Việt Nam ổn định thì lương đâu có phải sửa hoài như vậy mà vẫn luôn mất công bằng và công chức không sống được bằng lương. Chỉ cần sửa đúng gốc của vấn đề, mọi việc sẽ êm xuôi”.

Linh Thư tổng hợp
Mời bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến đóng góp cho chúng tôi, theo địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn.