HTML clipboard

– Dịch đau mắt đỏ kéo dài trên địa bàn Hà Nội khiến không ít người khốn khổ, có gia đình cả nhà cùng mắc vì lây từ người nọ sang người kia.

Con bị đau mắt đỏ, chị Lan được trường mầm non Cát Linh (Quận Đống Đa, Hà Nội) thông báo phải cho cháu nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Chị cũng không rõ con nhiễm virus gây bệnh từ đâu song bệnh diễn biến khá nhanh, lúc sáng mới chỉ ngứa mắt nhưng đến chiều đã đầy ghèn khiến cháu bé rất khó chịu.

Kể từ hôm con nghỉ học đến nay (đã 3 ngày), biết là bất tiện nhưng ngày nào chị cũng phải mang con đến cơ quan vì không có người trông nom, khi đi mang theo cả thuốc để nhỏ theo hướng dẫn của bác sỹ. Nhiều người trong cơ quan sợ lây virus nên hầu như không ai tiếp xúc với cháu bé. 

{keywords}
Khám bệnh cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ

Theo ghi nhận của VietNamNet, có những gia đình cả nhà 4-5 người cùng mắc bệnh do bị lây lan, không biết cách phòng tránh, khiến cuộc sống đảo lộn do cùng phải nghỉ làm.

Bác sỹ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, bệnh này dễ lây lan do virus có thể tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày.

Đường lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Có trường hợp bệnh nhân đến viện để chích chắp khi về nhà thì bị đau mắt đỏ.

Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Tại bệnh viện Mắt Trung ương, thời kỳ cao điểm trung bình mỗi ngày có khoảng 200 trường hợp đến khám bệnh đau mắt đỏ. Thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh về mắt. Người bệnh tập trung chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Theo bác sỹ Cương, bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu thường là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Có người bị 10 ngày đến khám mà mắt vẫn đỏ. Điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.

Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng. Bệnh có thể dẫn đến chứng như viêm giác mạc, nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.

Khuyến cáo của bác sỹ để phòng, chữa bệnh

HTML clipboard

- Sau khi tự tra thuốc cần rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn. Cần vệ sinh tay sạch sẽ, chủ động làm sạch mắt bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh lây lan.

- Không dùng chung nhau lọ nhỏ mắt để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc.

- Tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch. Khi thấy có biểu hiện của bệnh như nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ..., người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.

- Một số cách xử lý sai khi bị đau mắt đỏ là tự ý dùng kháng sinh hoặc mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn.

Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.

N.Anh