- Hiến pháp không chỉ là câu chuyện xa vời của các chính khách nhằm thiếp lập thể chế quyền lực cho thượng tầng chính trị, ngược lại, nếu được vận dụng nghiêm cẩn, sẽ gắn sát sườn và bảo vệ trực tiếp quyền lợi của tất cả công dân.

Một câu chuyện nhỏ về Hiến pháp Mỹ nhưng liên quan tới Việt Nam để minh họa, vụ kiên Tinker v. Des Moines được phán quyết bởi Tòa tối cao Mỹ năm 1969.

Chuyện nhỏ mà không nhỏ, bởi đây là một trong những vụ kiện tiêu biểu và nổi tiếng nhất trong lịch sử vận dụng Tu chính án số một của Hiến pháp Mỹ̀.

Tu chính án số một được phát biểu như sau trong Hiến pháp Mỹ: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan tới việc tổ chức tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận, báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp một cách hòa bình, và quyền khiếu kiện Chính phủ nhằm thay đổi những thực tế đang gây bất bình”.

Người dân Mỹ biểu tình trong những năm 1970 để phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: Linzik

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày tháng 12/1965, một nhóm học sinh lớn tụ tập ở căn nhà của cậu Christopher Eckhardt, 16 tuổi ở tiểu bang Iowa. Họ quyết định thể hiện thái độ phản kháng đối với sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam bằng việc đeo băng tay màu đen khi tới trường trung học Des Moines.

Ban giám hiệu trường Des Moines bằng cách nào đó đã biết trước được ý đồ của nhóm học sinh. Ngày 14/12, ban giám hiệu nhóm họp và ra một điều luật mang tính ngăn chặn: buộc học sinh nào đeo băng đen tới trường phải gỡ bỏ, nếu không, sẽ bị cho thôi học cho tới khi nhận thức ra vấn đề.

Nhóm học sinh “nổi loạn” đã biết được chính sách mới của nhà trường, tuy thế, họ không lùi bước. Sáng 16/12/1965, cô bé Mary Beth 13 tuổi và cậu Christopher Eckhardt 16 tuổi vẫn đeo băng đen tới trường để phản đối Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Hôm sau, cậu bé John Tinker 15 tuổi cũng thực hiện hành vi tương tự. Họ đều bị nhà trường đuổi về với lời đe dọa: khi nào không đeo băng tay nữa thì hãy tới trường. Nhóm “nổi loạn” lại tiếp tục thể hiện sự phản kháng bằng cách ở nhà cho tới hết năm. Còn hơn thế, thông qua cha mẹ, họ khởi kiện lệnh cấm đeo băng đen của nhà trường vì cho rằng điều luật ấy là vi hiến, xâm phạm tới quyền tự do ngôn luận được ghi trong Tu chính án số một của Hiến pháp.

Vụ án được Tòa án Quận xem xét và sau khi điều trần, tòa án bác bỏ cáo buộc của nhóm học sinh, với lý do: nhà trường có quyền hợp hiến trong việc ngăn chặn mọi hành vi gây rối loạn kỷ cương trường học. Nhóm học sinh tiếp tục kiện lên tòa án cao hơn nhưng cáo buộc tiếp tục bị bác.

Tính chất điển hình của vụ kiện đã khiến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trực tiếp vào cuộc và quyết định tiếp nhận vụ án. Tại phiên xử ở tòa tối cao, 7 trong số 9 quan tòa đã đồng thuận và khẳng định: đeo băng đen trong trường hợp này hoàn toàn không thể gây ra và không liên quan gì tới việc gây rối, ngược lại, đeo băng đen là “ngôn luận thuần túy” được bảo vệ toàn diện trong Tu chính án số một của Hiến pháp̀.

Tòa phán: “Những nỗi sợ và lo lắng vô cớ về gây rối không thể đứng trên quyền tự do biểu đạt… Các trường công không phải là lãnh địa của độc quyền lãnh đạo. Các quan chức của trường không có quyền áp đặt tuyệt đối lên học sinh. Cả trường và học sinh đều là những thực thể nằm dưới Hiến pháp. Các học sinh đeo băng tay để biểu lộ sự bất đồng của họ đối với cuộc chiến Việt Nam cũng như ủng hộ việc ngừng bắn, các em muốn hành vi ấy được mọi người biết và từ đó làm theo… Trong trường hợp này, Hiến pháp không cho phép các quan chức nhà nước được khước từ quyền tự do biểu đạt ấy của các em”.

Tòa án Tối cao đã lật ngược lại toàn bộ phán quyết của các tòa cấp thấp hơn và vận dụng Tu chính án số một trong Hiến pháp để bảo vệ các em học sinh. Điểm đặc biệt cần lưu ý trong vụ án này các em học sinh đã lặng lẽ đeo băng tay chứ không hề phát ngôn chống chính sách tham chiến của chính phủ. Tu chính án số một cũng chỉ quy định hết sức đơn sơ là sẽ bảo vệ “quyền tự do ngôn luận”. Nhưng Tòa án Tối cao đã vận dụng Hiến pháp hết sức linh hoạt khi cho rằng bản thân hành vi đeo băng tay cũng là một hình thức ngôn luận mang tính biểu tượng, bất kỳ hành vi nào phát đi một thông điệp và người tiếp nhận có thể hiểu thông điệp đó thì dù không nói ra lời vẫn được coi là ngôn luận. Tu chính án số một trong Hiến pháp không chỉ bảo vệ quyền nói mà cả quyền được lặng im, nếu sự im lặng ấy là thông điệp.

Vụ án Tinker v. Des Moines đã mở đường cho Tòa Tối cao cũng như các tòa cấp thấp hơn vận dụng Hiến pháp để bảo vệ người dân trong vô số vụ án sau này liên quan tới các hành vi mang tính biểu tượng. Nếu không có Hiến pháp bảo vệ, không có sự công minh của Tòa án tối cao, làn sóng biểu tình và các hình thức đa dạng phản đối chiến tranh Việt Nam trong nhân dân Mỹ̀ không bao giờ dữ dội, mạnh mẽ đến như thế. Chính nhân dân Mỹ đã tạo ra một phần sức ép khiến chính phủ Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Họ làm được điều ấy bởi họ được chở che dưới mái nhà Hiến pháp.

Hiến pháp không phải là chuyện “trên trời” mà ngược lại, bảo vệ lợi ích “sát sườn” của mọi người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Cho dù có thể rất nhiều người hoàn toàn không biết gì về Hiến pháp và không nhận ra ảnh hưởng to lớn của nó, thì “nụ cười” hay “nước mắt” của họ trong tương lai sẽ bị tác động bởi Hiến pháp và quá trình thực thi nó. Cho dù ảnh hưởng của văn bản pháp lý cao nhất này lên mỗi cá thể sẽ khác nhau, có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nhưng số phận của toàn bộ đất nước và tất cả nhân dân không thể tách rời khỏi mái nhà chung trên đầu chúng ta, mái nhà mang tên “Hiến pháp”.

Khánh Duy