- KTV chưa chịu bỏ tiền sửa chữa tuyến đường vận chuyển bauxite. Vậy đơn vị có chịu trách nhiệm về những về những thiệt hại do những đoàn xe chở bauxite gây ra trong tương lai?

Ông Trần Dương Lễ, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite - nhôm Lâm Đồng cho biết, khi nhà máy alumin vận hành ổn định, công suất dự kiến sẽ đạt từ 600.000 - 630.000 tấn sản phẩm/năm. Lượng sản phẩm này sẽ được vận chuyển từ nhà máy về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc cảng Kê Gà (Bình Thuận).

Ngoài ra, nhà máy còn có nhu cầu vận chuyển từ 550.000 - 600.000 tấn vật tư (than, vôi, xút) để phục vụ hoạt động của nhà máy.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến sẽ sử dụng khoảng 70 – 80 xe đầu kéo và sơmi rơmóc loại từ 5 trục trở lên để phục vụ vận chuyển với trọng tải tối đa 40 tấn (gồm hàng hoá và trọng lượng xe).

Thế nhưng, phương án giao thông cho nhu cầu vận chuyển sản phẩm và vật tư của nhà máy sản xuất alumin Tân Rai Lâm Đồng lại không được chú trọng.

Đe dọa tính mạng người dân

Để đưa khối lượng sản phẩm alumin này về cảng Gò Dầu và đưa vật tư vào nhà máy phục vụ sản xuất, tính bình quân, cứ vài phút phút sẽ có một chuyến xe có trọng tải lớn (trên dưới 30 tấn) đi từ nhà máy alumin Tân Rai (nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm) theo tỉnh lộ 725 ra QL 20 qua đèo Bảo Lộc rồi xuôi về Dầu Giây để đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai), và ngược lại.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, tuyến đường vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng đi Đồng Nai lại là tuyến đường dân sinh, xe máy lưu thông rất nhiều nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Xe chở alumin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân TP Bảo Lộc

Trong đó, đoạn QL20 đi qua tỉnh Lâm Đồng dù có chiều dài chỉ 48km nhưng lại xuyên ngang qua TP Bảo Lộc.

“Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở TP Bảo Lộc tập trung nhiều nhất hai bên QL20. Vì vậy khi xe chở alumin và nguyên vật liệu chạy liên tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân”, ông Bùi Thắng, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, lo ngại.

Thế nhưng, theo ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, từ lúc triển khai dự án sản xuất alumin đến nay, TKV chưa một lần bàn bạc về vận chuyển alumin qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ được thực hiện như thế nào”.

Theo ông Hiệp, với mật độ xe chở bauxite vài phút/chuyến, tuyến đường 725 từ huyện Bảo Lâm ra QL 20 không tài nào đủ sức để gánh nổi. Tương tự, QL 20 trong tương lai gần cũng sẽ nhanh chóng xuống cấp.

Để hạn chế thiệt hại do việc vận chuyển bauxite, Sở GTVT Lâm Đồng lập phương án xây dựng một tuyến đường dọc theo tỉnh lộ 725 từ nhà máy alumin Tân Rai đến QL 20 với chiều dài khoảng 24km.

Dự toán, công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, nếu thực hiện nhanh trong 2 năm nữa tuyến đường này mới có thể hoàn thành.

Đường sắt … vời vợi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau chuyến khảo sát hai nhà máy sản xuất alumin Tân Rai và Nhân Cơ, đầu tháng 8/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì một cuộc họp với TKV để tiếp tục bàn về dự án bauxite Tây Nguyên, trong đó có nội dung xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên và dự án cảng Kê Gà phục vụ dự án.

Tuyến đường sắt Nhân Cơ – Tân Rai – Kê Gà dự kiến việc khảo sát được thực hiện trong năm 2012. Từ 2012 – 2014 sẽ lập thiết kế chi tiết. Đến năm 2014 sẽ khởi công xây dựng và từ 2020 trở đi sẽ chính thức đưa vào khai thác.

Theo dự tính, tuyến đường sắt Gia Nghĩa (Nhân Cơ) – Tân Rai – Kê Gà có tổng chiều dài tuyến khoảng 248km (trong đó có 52km chiều dài cầu và 15km chiều dài hầm), với tổng vốn đầu tư khoảng 55.613 tỷ đồng.

KTV có chịu trách nhiệm về những thiệt hại do xe chở bauxit gây ra?

Tuyến đường sắt này được xác định là tuyến giao thông phục vụ chủ yếu cho dự án bauxite Tây Nguyên. Sau đó, từ 2025 sẽ chuyển thành tuyến giao thông đa dụng.

Cùng với tuyến đường sắt, cảng nước sâu Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cũng được xác định là “hạng mục” quan trọng của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.

Theo thiết kế ban đầu, cảng Kê Gà có tổng diện tích 366ha (gần 300ha mặt nước biển và 70ha đất liền), vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.  Dự kiến, dự án cảng Kê Gà sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 8/2010 và sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của VietNamNet, hiện dự án này còn “vướng” 12 dự án du lịch nằm trong khu vực cảng Kê Gà nên vẫn chưa biết đến khi nào mới khởi công.

Trong khi tuyến đường sắt và cảng biển Kê Gà chưa biết đến bao giờ hoàn thành, việc vận chuyển bauxit bằng đường bộ - dân sinh nhiều khả năng sẽ diễn ra trong một thời gian dài.

Hiện KTV vẫn chưa chịu bỏ kinh phí nâng cấp, sửa chữa tuyến đường vận chuyển bauxite, vậy liệu đơn vị có chịu trách nhiệm về những thiệt hại do  xe chở bauxite gây ra trong tương lai?

Cao Nguyên

Cầu đường run rẩy chờ… bauxite
Từ tháng 7/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ GTVT giao KTV ứng trước kinh phí nâng cấp các Tỉnh lộ trên tuyến đường vận chuyển bauxite. Nhưng …