- Dưa hấu, hải sản tươi sống... ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh xuất phát từ thương mại không bình đẳng. Trưởng Ban Kinh tế TƯ cho rằng, để cho thương lái TQ "vỗ từng quả dưa" thì làm sao có bình đẳng thương mại.

Nông nghiệp khó khăn là nội dung phát biểu của ông Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ QH về tình hình kinh tế - xã hội chiều nay.

Nói có chứng, ông kể câu chuyện đoàn của Ban Kinh tế TƯ đã đi lên tận cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để "mục sở thị" hàng nông sản "ách" ở cửa khẩu, thấu rõ hơn câu chuyện xuất khẩu nông sản sụt giảm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Câu chuyện "mục sở thị" được Trưởng Ban Kinh tế TƯ kể cho thấy những nghịch lý. Vải thiều, nhãn Hưng Yên được mua hết từ lúc mới ra hoa, khi thu hoạch được phân loại tại vườn, đóng gói và lên xe chở sang TQ "rất ngon lành". Thanh Long cũng được thu hoạch, phân loại tại vườn nên không ách tắc lắm.

{keywords}

Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ: Đây không phải lỗi của bà con nông dân, mà là lỗi của chúng ta

Nhưng dưa hấu thì buồn. Theo ông Huệ, dưa khối lượng vận tải lớn mà giá trị thì cực nhỏ, chở cả xe sang chợ của TQ "người ta lại vỗ từng quả để chọn". Thông quan cũng khó khăn, mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được khoảng 300 mà số lượng lên đến 600-700 dẫn đến ách tắc.

Và câu chuyện bình đẳng thương mại tại cửa khẩu đặt ra rất nhiều vấn đề.

Vì ta?

Trưởng Ban Kinh tế cho hay, ông không đồng tình quan điểm chuyện dưa hấu, hành tím vừa rồi chủ yếu là do quy hoạch, kế hoạch.

"Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Ví dụ như với đất cát của bà con Quảng Nam thì chỉ trồng dưa hấu thôi chứ có trồng được cây gì khác nữa đâu, trồng dưa hấu là tối ưu rồi. Chúng tôi lên cửa khẩu thì thấy bán dưa hấu sang TQ cũng chưa đáng bao nhiêu, trong khi thị trường TQ còn rộng lớn lắm.

Cho nên vấn đề đâu chỉ là sản xuất, mà vấn đề còn là công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận tải, tiêu thụ…, tôi nghĩ những chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể làm được”" - ông phân tích.

Trưởng Ban Kinh tế TƯ nhấn mạnh vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

"Nơi nào nông dân có doanh nghiệp đứng đằng sau thì tiêu thụ ổn. Ví dụ như những cánh đồng mẫu lớn của bà con nông dân gắn với công ty bảo vệ thực vật An Giang, hoặc sữa gắn với Vinamilk thì sản xuất rất ổn định, thị trường bền vững” - ông Huệ nói.

Theo ông, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với các hợp đồng nông sản. Ông thẳng thắn chỉ ra bài học của dưa hấu, đó là xuất khẩu dựa vào 12 doanh nghiệp rời rạc, không liên kết, cũng không có hợp đồng với nông dân, chỉ là đi gom hàng rồi vận chuyển sang TQ.

Tại bạn?

Một vấn đề ông cũng nhấn mạnh là bình đẳng thương mại. Theo ông Vương Đình Huệ, cửa khẩu Tân Thanh phía VN gọi là cửa khẩu chính nhưng TQ chỉ coi là cặp chợ, tức là bên họ có một chợ bên ta có một chợ.

"Làm sao mà bình đẳng được trong khi bên kia có chợ mà bên ta không có", ông nói.

Dưa hấu, hải sản tươi sống...ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh là vấn đề xuất phát từ thương mại không bình đẳng. Theo Trưởng Ban Kinh tế TƯ, sản phẩm của người nông dân mang sang bên kia biên giới bán cho thương lái TQ, để cho thương lái TQ "vỗ từng quả" thì làm sao có bình đẳng thương mại?

Do đó, phải có chính sách đầu tư hạ tầng tại các cửa khẩu thương mại, đặc biệt là các khu trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng hóa. Như ở Tân Thanh, nếu ta có chợ, người TQ phải sang mua hàng hóa VN tại chợ VN thì không thể có chuyện nông dân của ta bị thương lái TQ "ép" giá.

“Trong khi hàng của họ sang qua cửa khẩu rồi cứ đàng hoàng tiến vào đất của ta, bởi tất cả hàng hóa của họ đều có hợp đồng thương mại. Trong khi 12 ông đầu nậu dưa hấu của chúng ta chẳng thấy xuất hiện, chỉ thấy những người chở thuê sang tận đất người ta rồi giá cả thế nào cũng chẳng biết. Nếu người TQ phải sang VN mua hàng VN và chúng ta sang TQ mua hàng TQ mới có bình đẳng thương mại”.

Phân tích thực trạng, ông Huệ cho rằng đây không phải là vấn đề quy hoạch, cũng không thể đổ lỗi cho bà con.

"Đây là lỗi của chúng ta. Cần phải tổ chức lại thương mại trong nước, gắn với thương mại biên giới", Trưởng Ban Kinh tế TƯ đề nghị.

Hồng Nhì (ghi)