- Sau nhận định về "Thảm họa văn hóa ở Hồ Gươm đêm giao thừa...", VietNamNet nhận được bài viết của giảng viên Nguyễn Huy Khuyến (Trường ĐH Đà Lạt) cùng quan điểm, với phân tích từ thực tế. 

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của giảng viên Nguyễn Huy Khuyến: 

Đầu năm 2017, bài viết “Nhiều người Việt xé rào lấy hoa: Lòng tham đang quá lớn” đã gây xôn xao dư luận, đến cuối năm, lại có bài “Vườn hoa hồ Gươm bị 'san phẳng' sau đêm giao thừa”.

Theo tác giả, nhà báo Uông Ngọc Đậu đã đánh giá thì đây chính là “thảm họa văn hóa”, có lẽ nhiều bạn đọc cũng sẽ đồng tình - bởi lẽ nếu trong nhiều lễ hội hình ảnh này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, báo chí cũng tốn không ít giấy mực để phân tích, lên án, nhưng tình hình cũng chẳng thay đổi là bao.

{keywords}
Vườn hoa tại Hồ Gươm bị san phẳng sau đêm giao thừa vừa qua. Ảnh: Trần Thường

Cách ứng xử đáng báo động

Ở nước ta, một năm có biết bao lễ hội lớn cần trang hoàng đường phố cho xanh, sạch đẹp, nhà nước tốn rất nhiều tiền để cải tạo bộ mặt của đường phố.

Nhưng khi chứng kiến nhiều lễ hội hoa, lễ hội đón năm mới… được tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều người lại cảm thấy ngao ngán về cách hành xử của một số người đối với những vườn hoa công cộng mà hàng ngày biết bao công nhân bỏ công sức chăm sóc.

Ấy thế mà có nhiều người bất chấp tất cả, chen lấn, cướp, giật, thậm chí tranh nhau để đi trước, tranh nhau chỗ đứng để xem, tranh nhau cướp hoa khi lễ hội còn chưa kết thúc. Nhiều bài báo, hình ảnh đăng tải những hành động gây phản cảm này đã không thể ngăn nổi lòng tham ích kỷ của một số người.

Họ cho rằng, cướp được cái chậu hoa đó về là mang may mắn, mang lộc vào nhà nên càng a dua, thi nhau tranh cướp, hay để tranh giành một lối đi nhanh hơn, một chỗ đứng đẹp hơn, đi nhanh hơn một chút, để cuối cùng những vườn hoa công cộng tan nát sau mỗi dịp lễ. Một thực tế đáng báo động về cách ứng xử từ nhiều lễ hội như vậy.

Từ trong những thảm họa ấy, có một địa phương đã 7 lần tổ chức Festival hoa, đó là TP Đà Lạt.

Nơi hoa chưng cả năm không bị giẫm nát

Ở Đà Lạt, từ ngõ ra đường phố, hoa tươi được trang hoàng, trồng khắp nơi, đủ để nở trong cả năm mà không bị hái trộm, hay bị giẫm đạp đến tan nát.

{keywords}
Hình ảnh tại Festival hoa Đà Lạt

Khách du lịch mong muốn đến Đà Lạt để được hòa mình trong những khóm hoa, những vườn hoa, để nâng niu, nũng nịu làm dáng bên những khóm hoa đang khoe sắc cùng đất trời, đó là tâm trạng chung của những du khách xa gần khi đến với Đà Lạt.

Cứ hai năm một lần, Đà Lạt lại tổ chức lễ hội hoa, đây là dịp để hoa từ các nhà vườn nô nức kéo nhau ra trưng bày nơi phố thị. Khắp các đường phố, hoa được trưng bày, được khoe sắc trước hàng vạn người. Mặc dù không cần bảo vệ như các nơi khác, nhưng ít khi bắt gặp cảnh người dân xông vào lấy hoa. Kể cả những ngày cuối cùng khi lễ hội chuẩn bị kết thúc.

Từ góc nhìn đó, soi vào phong cách của người Đà Lạt, hầu hết người ta nhận thấy, người Đà Lạt hiền hòa, chậm rãi, họ không vội vã như nhiều miền quê khác. Có vị khách cho rằng Đà Lạt lắm dốc nhiều đèo, người đi xuống cũng chậm người đi lên cũng chậm, nên cái đó đã ngấm vào máu thịt. Họ tự hào vì mình là người sống ở vùng đất mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho họ những điều kiện tốt nhất của đất trời.

Vì vậy, người Đà Lạt ai ai cũng muốn chăm chút tô điểm cho ngôi nhà, ban công, mái hiên, trước nhà mình bằng những khóm hoa hay chậu hoa nho nhỏ.

Nhiều du khách đến Đà Lạt ngạc nhiên tự hỏi, không biết tại sao người Đà Lạt trồng hoa bên ngoài đẹp như vậy mà không bị hái trộm.

Vâng, không phải vì người ta không đam mê hoa, nhưng vì người Đà Lạt nghĩ rằng, hoa là của chung của TP. Nếu được tiếng là TP của ngàn hoa thì họ cũng sẽ có phần tự hào trong đó.

Để xóa sổ ''thảm họa''

Đà Lạt không đông dân như Hà Nội hay TP.HCM, cũng không phải quá dư giả những nơi vui chơi công cộng như nhiều địa phương khác.

Song, người Đà Lạt hay cả khách du lịch nếu đến đây cũng không ai nỡ hái, giẫm hoa bởi còn có hàng vạn con mắt soi vào.

Và, người dân bản địa chăm chút bảo vệ cảnh quan nơi công cộng tốt thì những du khách cũng nhìn đó mà học theo. Tâm lý đám đông, a dua vẫn còn ngự trị trong nhiều người dân.

Điều quan trọng là phải làm sao khơi dậy được ý thức của mỗi người dân khi tham gia vào những không gian chung, để họ biết tôn trọng cái mà xã hội đang làm vì cuộc sống của cả cộng đồng.

Biết đâu, năm nay, nhiều năm sau nữa những bài báo như thế này sẽ không còn xuất hiện, để những “thảm họa a dua, thảm họa văn hóa cộng cộng” sẽ không còn.

Bạn có cùng quan điểm với tác giả? Bài viết gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ đăng tải. Trân trọng!


Từ 'thảm họa' ở hồ Gươm đêm giao thừa, mơ 'Quảng trường sông Hồng'

Từ 'thảm họa' ở hồ Gươm đêm giao thừa, mơ 'Quảng trường sông Hồng'

Một quảng trường mang tên Quảng trường sông Hồng. Biết đâu, những “thảm họa văn hoá”  phát sinh trong không gian nhỏ hẹp sẽ không còn.

Vườn hoa hồ Gươm bị 'san phẳng' sau đêm giao thừa

Vườn hoa hồ Gươm bị 'san phẳng' sau đêm giao thừa

Sau giao thừa, các vườn hoa quanh hồ Gươm bị tàn phá, có khu vực toàn bộ cây biến mất chỉ sau 1 đêm.

Sau phút giao thừa, quanh Hồ Gươm như cuộc tàn của bàn nhậu

Sau phút giao thừa, quanh Hồ Gươm như cuộc tàn của bàn nhậu

Sau màn đếm ngược chào đón năm mới, nhiều tuyến đường quanh hồ Gươm lại ngập ngụa rác: bao nilon, hộp xốp, vỏ chai...

Nguyễn Huy Khuyến