- Người dân mong Bộ trưởng tiếp không chỉ là Bộ trưởng có quyền to mà giải quyết khiếu nại ở cương vị một thành viên của Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội sáng 11/6 về dự án luật Tiếp công dân, đa số ý kiến cho rằng cần có luật để tránh tình trạng người dân khắp nơi đến tập trung đông người khiếu nại tố cáo như thời gian qua.

Song dự luật mới chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề đón tiếp, lắng nghe phản ánh và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân, chưa chú ý đến vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo khiến ĐBQH chưa thõa mãn.

Dân mong giải quyết

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng luật Tiếp công dân cần phải nâng cao được ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước mới mong giải quyết được những bức xúc của dân.

“Nếu người tiếp dân mà đồng cảm với dân, gắn ý thức trách nhiệm thì đó mới là điều người dân thực sự mong đợi”, ông Cương lý giải.

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Ông Cương lấy ví dụ, người dân mong bộ trưởng tiếp không chỉ là bộ trưởng có quyền to và sẽ giải quyết được ngay khiếu nại của người dân mà họ mong bộ trưởng sẽ tiếp nhận, xem xét, giải quyết trên cương một thành viên của Chính phủ.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng nhấn mạnh cơ chế giải quyết mới là một trong những mục đích chính của việc tiếp công dân và cũng là mục đích của công dân khi đến trụ sở tiếp công dân.

Ngay cả khi chưa hướng vào đích giải quyết, ĐBQH phản ánh thực trạng khâu "tiếp" có nơi không được thực thi nghiêm túc.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phản ánh có nơi cán bộ làm công tác tiếp dân yếu về năng lực, trình độ nhưng biểu hiện lại quan liêu, hách dịch, thiếu trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, vô cảm" với những bức xúc của người dân.

“Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên và chưa nghiêm túc, thiếu đôn đốc kiểm tra, còn xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh tiếp công dân”, bà Thủy nêu rõ.

Thiếu luật?

ĐB Chu Sơn Hà (TP. Hà Nội) cho rằng, lỗi trong thời gian qua không phải là thiếu chế định về công tác tiếp dân mà nguyên nhân chính là do tổ chức thực thi pháp luật về việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt, tồn tại ở một số cơ chế chính sách còn chưa hợp với lòng dân như trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng về đất đai…

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Từ những bất cập, các ĐBQH đề nghị, dự luật cần phải quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước.

Tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Đồng thời kiến nghị bổ sung các chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan tiếp công dân hoặc người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình.

Liên quan quy định Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải trực tiếp đứng ra tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng, lãnh đạo cấp tỉnh phải tiếp dân 2 ngày trong tháng, các ĐBQH cho rằng không nên quy định cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt như vậy.

"Khi nhận được khiếu nại của công dân thì cơ quan chức năng của bộ sẽ tiếp nhận rồi mới trình lên Bộ trưởng để xem xét. Nếu chỉ căn cứ vào một buổi tiếp công dân rồi giải quyết luôn là không ổn, bởi Bộ trưởng không thể ngồi nghe rồi giải quyết luôn" - ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.

Trước nhiều ý kiến chưa thống nhất, Quốc hội nhất trí để các cơ quan liên ngành chủ trì thực hiện dự án luật tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cấp trình xem xét vào kỳ họp cuối năm.

Tá Lâm