- Thường vụ QH đồng ý thí điểm tăng lương cho ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) song lưu ý ngành này giảm biên chế, cải thiện chất lượng hoạt động và đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Thường vụ QH sáng nay (14/10), chế độ tiền lương hiện nay không đảm bảo được đời sống cho 20.500 cán bộ ngành BHXH, do khối lượng công việc nhiều sau khi có thêm các loại hình bảo hiểm mới, số đối tượng hưởng bảo hiểm tăng theo.

Thu nhập trung bình của ngành này năm 2010 là 3,97 triệu đồng/tháng, năm nay ước là 4,87 triệu đồng/tháng. Từ năm 2007 đến nay đã có hơn 1.350 người xin ra khỏi ngành.

Chính phủ kiến nghị cho phép BHXH áp dụng mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, viên chức toàn ngành không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương bình thường (mức tối đa được phép áp dụng hiện nay là 1,0 lần).

Bên cạnh đó, BHXH cũng xin được chi bổ sung thu nhập tối đa 0,2 lần mức lương, trích từ tiền sinh lời thu được từ hoạt động đầu tư hàng năm của các quỹ bảo hiểm.

Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của BHXH cũng như vai trò quan trọng là chính sách trụ cột của an sinh xã hội, Thường vụ QH tạm cho phép Chính phủ thực hiện thí điểm đề xuất về mức tăng 1,8 nhưng rất băn khoăn về con số 0,2.

Chính phủ kiến nghị cho phép BHXH chi tiền lương, tiền công cho cán bộ, viên chức không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương bình thường. Ảnh minh hoạ: Báo Hải Phòng

Đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc chưa thấy CP chỉ ra giải pháp gì để giảm biên chế ngành BHXH. “Cứ chạy theo số lượng thì không biết đến đâu, việc đảm bảo thu nhập chắc chắn sẽ khó khăn”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, với biên chế ngày càng tăng, việc BHXH lấy nguồn thu của quỹ để cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức sẽ không tránh khỏi những nghi ngại về nguy cơ vỡ quỹ, thậm chí dư luận có thể đặt câu hỏi liệu có sự cắt xén bảo hiểm của dân để nâng cao mức sống cho cán bộ, hay kinh phí cấp cho ngành quá dư thừa…

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình phải làm rõ điểm này để ĐBQH và nhân dân yên tâm rằng cách chi này không ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm, không “ăn” vào và có thể làm sập quỹ bảo hiểm.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu tâm điểm này, đặc biệt với những hoạt động đầu tư ra bên ngoài, ví dụ đầu tư vào các ngân hàng thương mại. Để thận trọng và đảm bảo an toàn, ông Hùng cho rằng BHXH chỉ nên đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì muốn có những báo cáo đầy đủ về các nguồn thu của BHXH để quản lý tốt hơn việc vận hành, đường đi của số tiền này.

Hiện đại hóa thay vì thêm biên chế

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định “lương không đủ sống” không chỉ là vấn đề của ngành BHXH: “Hầu hết các cơ quan nhà nước đều khó tìm được người giỏi, khá vào làm, những người trung bình khá thì vào một thời gian cũng ra đi”.

Nhưng ngay cả một ngành được ưu đãi như BHXH mà còn kêu không đủ, xin tăng thêm thì các ngành khác cũng có thể kiến nghị tương tự, tạo bài toán khó cho chế độ tiền lương, ông Phúc thấy kiến nghị của CP chỉ nên là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải khẩn trương sửa Luật BHXH.

Rất thông cảm với khó khăn trong việc giữ người giỏi vì thu nhập không đảm bảo của BHXH, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý việc BHXH tăng mức thu nhập cho cán bộ cần làm đồng thời với tăng năng xuất lao động và hiệu quả hoạt động, đồng thời ngăn ngừa tiêu cực.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đồng ý phải chú trọng phòng chống tham nhũng trong ngành. “Tham ô, thất thoát trong tiền bảo hiểm nghiêm trọng hơn rất nhiều trong các lĩnh vực khác, vì đây là trụ cột an sinh xã hội”, bà Phóng nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thì chỉ ra năng lực của nhiều cán bộ BHXH cấp xã không đảm bảo, cơ chế quản lý lỏng lẻo trong khi số tiền được giao quản lý rất lớn.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ điều này và đề nghị ngành BHXH đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật để giảm biên chế và quản lý tài chính.

“Tôi không đồng ý tư tưởng công việc tăng biên chế cũng tăng, tiền lương không thể chạy theo kịp…”, ông Hùng nói.

Chung Hoàng