Chị có đến 2 cha, 2 mẹ và tới tận ngày miền Nam giải phóng chị mới biết sự thật về cuộc đời mình…

Cha mẹ đẻ của chị đều là cán bộ cách mạng, bị đối phương theo dõi gắt gao, nên vừa chào đời, chị Tuyết Minh đã được giao cho người cô ruột nhận làm con nuôi. Bà mang họ Phan của người cha nuôi và gọi bà nội là… bà ngoại.

Tội phạm không đất sống

Tôi hơi bất ngờ khi đứng trước trụ sở cơ quan Công an tỉnh Kiên Giang, nơi nữ tướng đầu tiên trong lịch sử ngành Công an Nhân dân Việt Nam -Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - làm giám đốc.

{keywords}

Giám đốc CA Bùi Tuyết Minh - người phụ nữ đầu tiên được phong cấp Tướng trong lịch sử ngành CAND Việt Nam.

Trụ sở không “hoành tráng” như những cơ quan khác mà tôi từng đến quan hệ công tác. Khoảnh sân hẹp trồng một ít cây cảnh, được chăm chút cẩn thận. Đồng chí trực ban lịch sự, ân cần hướng dẫn tôi đến nơi cần gặp. Tôi để ý quan sát, những người dân đến đây quan hệ công việc cũng được hướng dẫn tận tình giống như tôi.

Nói về những điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc ở Kiên Giang, những người có trách nhiệm tỏ ra thú vị với mô hình “Tổ nhân dân tự quản không tội phạm và tệ nạn xã hội” bắt đầu thực hiện từ năm 2008.

Hiện có trên 20 mô hình, loại hình phong trào quần chúng tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn ma tuý, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, đảm bảo trật tự an toàn giao thông... và hàng nghìn tổ nhân dân tự quản được thành lập ở khu dân cư.

Các mô hình tiên tiến phát huy hiệu quả như: "Tổ nhân dân tự quản không tội phạm, không ma túy, không mại dâm" ở phường Vĩnh Bảo (TP.Rạch Giá); các mô hình “Câu lạc bộ thanh niên Công giáo phòng chống tội phạm", "Đội dân phòng nữ tham gia giữ gìn ANTT và phòng, chống tội phạm", "Đội dân phòng liên ranh" của xã Tân Hiệp B (huyện Tân Hiêp); “Đội xe ôm phòng chống tội phạm” ở huyện Châu Thành; “Câu lạc bộ phụ nữ không có chồng, con em phạm tội và tệ nạn xã hội” ở xã Bình Sơn huyện Hòn Đất; mô hình "Ba quản, ba chống, ba xây” của Hội Cựu chiến binh huyên Kiên Lương...

…Tôi chọn một khách sạn ở khu “lấn biển” (phường Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá) để ở lại Kiên Giang qua đêm. Khu đô thị mới rộng rãi, khang trang này được hình thành cách đây hơn 10 năm từ dự án san lấp một vùng biển Tây kề bên TP.Rạch Giá để mở rộng thành phố. Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi mọc lên ở đây.

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi, những khu đô thị sầm uất thường phức tạp tệ nạn xã hội, trong đó có nạn “bảo kê” – những người làm ăn chân chính phải đóng một loại “phí” vô hình nào đó để được yên ổn làm ăn.

Tôi hỏi chủ khách sạn Kim Sơn nơi tôi nghỉ lại: “Ở đây anh có chịu nạn bảo kê?”. Người chủ nhà hàng tròn xoe mắt nhìn tôi như từ trên trời rơi xuống: “Mình làm ăn đàng hoàng cần gì ai “bảo kê” hả anh?”.

Tôi có cảm giác khi chiều đến hầu hết dân ăn nhậu ở TP.Rạch Giá đều đổ về khu “lấn biển”. Những người bạn ở TP.Rạch Giá cũng kéo tôi đến quán Biển Xanh để “lai rai”. Cảnh ăn nhậu về đêm ở Rạch Giá trông “hiền” hơn nhiều so với nhiều thành phố mà tôi đã đi qua. Cũng “dzô”, “trăm phần trăm” nhưng nghe nhẹ nhàng, thân thiện, chứ không dữ dội, “bạo lực”.

Tiệc rượu kết thúc lúc 21 giờ, tôi đi bộ dọc theo bờ biển để về khách sạn. Khung cảnh bờ biển Rạch Giá về đêm thật yên bình, khá nhiều người đi dạo, họ không có vẻ gì lo ngại, đề phòng chuyện tội phạm về đêm…

Nữ tướng bình dị và cuộc đời ly kỳ như tiểu thuyết

Trong tiệc rượu ở quán Biển Xanh lúc chiều tối, cũng như bên ly cà phê ở quán Gió Biển sáng hôm sau với những người bạn Rạch Giá, một trong những đề tài chúng tôi không thể không nhắc tới là sự kiện nữ Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang – chị Bùi Tuyết Minh – vừa được trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ thăng cấp bậc hàm cấp tướng.

{keywords}

Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang Bùi Tuyết Minh thăm hỏi người dân.

Những người bạn Rạch Giá đều tỏ ra thú vị, tự hào về người phụ nữ quê mình trở thành nữ cán bộ đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng.

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ tháng 6/2011, khi chị Bùi Tuyết Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh (nữ giám đốc công an tỉnh đầu tiên cả nước), chị đã trở thành nhân vật thu hút sự quan tâm của người dân nơi đây.

Người ta đã tìm hiểu về chị và thật bất ngờ khi biết rằng cuộc đời chị ly kỳ như một quyển tiểu thuyết. Chị sinh năm 1962 trong một gia đình cách mạng vùng rừng núi Hà Tiên, bên bờ biển Tây. Chị có đến 2 cha, 2 mẹ và tới tận ngày miền Nam giải phóng chị mới biết sự thật về cuộc đời mình.

Cha mẹ đẻ của chị là ông Bùi Nhứt Bình (Mười Bình) và bà Nguyễn Kim Lựu, đều là cán bộ cách mạng. Do cha mẹ bị đối phương theo dõi gắt gao, nên vừa chào đời, chị Tuyết Minh đã được giao cho người cô ruột nhận làm con nuôi. Bà mang họ Phan của người cha nuôi và gọi bà nội là… bà ngoại.

Một ngày giữa năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, có một người đàn ông vai mang ba lô bước vào ngôi chùa Thần ở Hà Tiên nơi chị Tuyết Minh và “bà ngoại” đang tá túc. Đến lúc đó chị Tuyết Minh mới được bà kể tất cả sự thật về thân thế của chị. Cũng tới lúc đó chị mới biết mẹ ruột mình đã hy sinh năm 1971 trong rừng U Minh Thượng. Chị lại đổi từ họ Phan sang họ Bùi của cha ruột.

Năm 1981, học hết cấp III, chị Tuyết Minh vào ngành công an với công việc của một trinh sát an ninh. Nữ trinh sát trẻ đã không ngại gian khó, hiểm nguy, kiên trì đeo bám địa bàn, góp sức triệt phá các vụ tổ chức vượt biên trái phép, trấn áp tội phạm… Chị thi đậu vào Đại học An ninh và hoàn thành xuất sắc chương trình học.

Trở về địa phương, chị tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tin tưởng bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo: Đội phó Đội Trinh sát ngoại tuyến; Phó trưởng phòng Tham mưu Ban Chỉ huy an ninh năm 1989; Trưởng phòng Công tác chính trị năm 1996; Trưởng phòng Tổ chức năm 1999; Phó giám đốc Công an tỉnh năm 2004. Tháng 6.2011, chị được Bộ Công an bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố trên cả nước. Chị Tuyết Minh lập gia đình năm 30 tuổi, có 2 con. Chồng chị là cán bộ tại bộ phận xuất nhập cảnh, là đồng đội và cấp dưới của chị.

Các đồng đội, thuộc cấp của chị Tuyết Minh đều nhận xét về chị: Một người cán bộ nữ dịu dàng, nhân hậu đặc trưng của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ; nhưng cũng rất khéo léo, kiên quyết trong công việc, điều này chị có được nhờ tôi luyện trong môi trường công tác và học tập ở nhà trường. Người nữ tướng ở Kiên Giang mộc mạc như hạt phù sa biển Tây, vun đắp màu mở cho đất mẹ và cũng mạnh mẽ theo sông ra biển đương đầu với sóng to gió lớn!

Bà nội kể, hồi chị lên 4 tuổi, có một lần bà đưa chị vô rừng thăm cha mẹ nhưng nói là đi Sài Gòn để thăm cậu mợ. Có lẽ máu mủ ruột rà có sự liên hệ vô hình đặc biệt nào đó, mà trong mấy ngày ở rừng, đứa bé yêu mến và quấn lấy "cậu mợ" không khi nào rời.

Đó là lần gặp mẹ hiếm hoi trong đời chị, bởi sau đó, năm 1971, trong một chuyến đi công tác, bà Bảy Hồng lúc đó là Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Ban An ninh tỉnh Rạch Giá, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường U Minh Thượng. Ông Mười Bình, từ ngày ở căn cứ về cũng không đi bước nữa, chỉ ở vậy nuôi con gái.

Đến giờ mỗi lần nhớ lại câu chuyện của nội kể và nghĩ về cái chết của mẹ, lòng chị se thắt. Yêu kính, nể phục và nhớ thương mẹ, chị đem tất cả tình thương bù đắp cho cha, chăm sóc cha thật chu đáo những ngày cuối đời. (ANTG)

(Theo Lao động)