- Vào đầu thế kỷ 21, trên địa bàn TP.HCM và miền Nam lục tỉnh liên tục xảy ra nhiều vụ cướp tiệm vàng táo tợn. Bọn chúng manh động tới mức sẵn sàng nã đạn vào những ai dám cản đường chống cự. Trong suốt hơn 10 năm theo vết đường dây đen của bọn cướp, lắm lúc cơ quan điều tra tưởng chừng như đã đi vào ngõ cụt. Phải đến năm 2011, nhóm cướp này mới bị tóm gọn.

Kì 1: Từ đứa bé ít nói đến tướng cướp hung hãn

Dư luận được một phen chấn động khi chân tướng kẻ cầm đầu được lột trần. Đó là Lê Anh Kiệt (ngụ quận 8). Để có thể tái hiện chân dung thực của tướng cướp khét tiếng này, chúng tôi đã tìm gặp những người chứng kiến hành trình “lột xác” của Kiệt từ thưở ấu thơ…

{keywords}

Chợ Phạm Thế Hiển - nơi tung hoành một thưở của tướng cướp máu lạnh

Trầm tính nhưng nghịch ngợm

Trong hồ sơ của cơ quan công an, chân tướng kẻ cầm đầu được xác định là Lê Anh Kiệt (SN 1964, quê huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An) ngụ quận 8, TP.HCM.

Trong số những tiệm vàng Lê Anh Kiệt cầm đầu, chỉ điểm để cướp, có cả tiệm vàng của người bạn vốn là đấu thủ chơi cờ mỗi buổi chiều với Kiệt. Ông là Doãn Mỹ chủ tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển, quận 8, từng bị sát hại vào năm 2004.

5 năm sau ngày băng cướp của Kiệt bị bắt, người dân quanh khu chợ vẫn còn bất ngờ khi biết Kiệt chính là hung thủ. Trong ký ức của họ, Kiệt vốn là một người đàn ông trầm tính và có vẻ bề ngoài khá hiền lành.

Thế nhưng, tuổi thơ của Kiệt lại là những năm tháng “yêng hùng” nổi loạn. Có lẽ đây là một phần “sóng ngầm” tạo ra con người tướng cướp Lê Anh Kiệt lạnh lùng, tàn ác mà ít ai ngờ tới.

Trở lại khu chợ Phạm Thế Hiển nơi lưu dấu năm tháng tuổi thơ của gã, PV được dịp chuyện trò với bà Đỗ Kim L. giáo viên tiểu học về hưu, người từng dạy dỗ Kiệt và là cư dân sống lâu năm ở đây. Khu chợ nơi gia đình Kiệt sinh sống nằm trong khu chung cư Phạm Thế Hiển.

{keywords}

Bà Đỗ Thị L. trò chuyện với PV về thời thơ ấu của Lê Anh Kiệt

Theo nhiều người dân ở đây, chung cư này được xây dựng dành cho thương phế binh Việt Nam. Ba Kiệt, ông Lê Văn Anh vốn là cựu chiến binh của chế độ cũ, sau khi bị thương tại chiến trường thì ông quay về quê nhà tại huyện Vàm Cỏ (tỉnh Long An) sinh sống. Trước năm giải phóng, vì nằm trong diện hưởng chính sách “người cày có ruộng, thương phế binh có nhà” vợ chồng ông Anh và 6 đứa con được chuyển về khu chung cư này sinh sống.

Trong ký ức của bà giáo về hưu, thưở mới đến khu chung cư, Kiệt chỉ là cậu bé lên 6,7 tuổi. “Đây cũng là khoảng thời gian an ninh trật tự ổn định nhất. Lúc đấy Kiệt tuy trầm tính nhưng lại rất nghịch ngợm”, bà L. nhớ lại.

Nhà của anh em Kiệt nằm ngay sát khu vực chợ Phạm Thế Hiển. Sau năm giải phóng 1975, chợ Phạm Thế Hiển trở thành nơi mưu sinh nhọc nhằn không chỉ của người lớn, các băng nhóm giang hồ mà còn là đất sống của nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Chính môi trường phức tạp, lắm bon chen giành giật đã sớm tác động vào suy nghĩ, nếp sống và quá trình hình thành nhân cách con người của Kiệt.

Gia đình Kiệt chuyển về đây sống mưu sinh bằng nghề buôn cá ở chợ. Bà Út (mẹ Kiệt) là người phụ nữ biết chăm lo, vun vén gia đình. Theo người dân ở đây kể lại, hôm nào bà Út cũng dậy rất sớm từ lúc 3h sáng, sau đó một mình đạp chiếc xích lô máy, chạy từ quận 8 lên khu chợ cá Trần Quốc Toản để mua hàng rồi quay về chợ Thái Bình (quận 1) để bán. Một mình bà phải tự bươn trải nuôi 6 anh em Kiệt. Ba Kiệt, ông Lê Văn Anh mang theo vết thương chiến tranh, bước đi tập tễnh nên chỉ ở nhà dạy dỗ 6 đứa con.

Trở thành “mãnh hổ nhí”

Ba Kiệt vốn nóng tính, cục cằn. Mỗi lần anh em Kiệt mắc lỗi, bất kể vì lí do gì đều được người cha “giáo huấn” bằng những trận “mưa” roi. Bà L chia sẻ: “So với mấy đứa em trong nhà thì Kiệt không nghịch ngợm bằng. Khi lớn lên mấy anh em Kiệt có phần lì lợm, liều lĩnh hơn nhiều đứa trẻ khác”.

Học đến lớp 7, Kiệt bỏ học, lêu lổng, giao du với đám trẻ giang hồ tại khu chợ. Hàng ngày gã lang thang với lũ trẻ ngỗ ngược liều lĩnh chuyên trộm cắp, cướp giật và đánh đấm. Kiệt chỉ tham gia vào các cuộc đụng độ tay chân chứng tỏ “bản lĩnh” khiến những đứa trẻ khác phải kiêng dè.

{keywords}

Chân dung “tướng cướp tàn bạo”

Nhờ người mẹ tháo vát buôn bán, Kiệt không phải sống trong cảnh thiếu thốn cơm ăn, áo mặc. Bởi vậy, Kiệt dần lớn lên với vóc dáng cao to hơn lũ trẻ trang lứa khiến chúng nể sợ và ngầm tôn Kiệt làm “đại ca nhí”. Càng lớn, Kiệt càng trở nên manh động. Trong những cuộc giải quyết mâu thuẫn bằng chân tay giữa chợ, Kiệt luôn là kẻ cầm đầu, sẵn sàng giơ nắm đấm đi trước lời nói. Manh động, ít nói, lầm lì Kiệt nghiễm nhiên trở thành đại ca của đám giang hồ “vặt”.

Khu chợ Phạm Thế Hiển lúc bấy giờ tồn tại nhiều cạnh tranh phức tạp và đầy rẫy sự khắc nghiệt. Có lẽ vì vậy, sống trong môi trường “giang hồ”, hung bạo ngay từ bé đã tạo nên một phần bản chất “máu lạnh” trong con người Lê Anh Kiệt.

Ít ai ngờ rằng đứa bé trầm tính ít nói lại trở thành một kẻ cầm đầu nhóm cướp trong tương lai.

Ái Thụy

Kỳ 2: Cuộc “kỳ ngộ” đồng bọn trong trại giam Tống Lê Chân