- Nói ngay quan điểm không muốn sửa điều 60 của luật BHXH cho người lao động linh hoạt "nhận một cục", ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) kể một "bài học nhãn tiền" tương tự khiến Nhà nước từng bị quở trách "vắt chanh bỏ vỏ".

Đó là câu chuyện của quyết định 176 năm 1989 được ông Khanh dẫn tại phiên thảo luận về điều 60 luật BHXH sáng nay. Trước đây, nhiều người từng nghỉ hưu non theo quyết định 176 "nhận một cục tiền" một lần. 

Sau này muốn xin nộp lại số tiền đã rút để tiếp tục đóng hưởng lương hưu nhưng không được chấp nhận, nhiều người trong số họ thực sự khó khăn và vất vả ở tuổi già.

Ông Khanh cho rằng, hiện một số người nghĩ do lương thấp, đời sống khó khăn nên muốn nhận BHXH một lần để đầu tư việc khác sinh lời. Nhưng đó chỉ là cái lo trước mắt, không lợi lâu dài. ĐB lo lắng, sau này nếu lâm tình cảnh như những người về hưu non theo quyết định 176, họ lại dễ kêu bị “vắt chanh bỏ vỏ”, "không quan tâm".

{keywords}
ĐB Lê Đình Khanh: Mọi trở ngại sẽ qua, người lao động sẽ đồng tình với luật

“Các chính sách không bao giờ thỏa mãn 100% đối tượng. Dù hoàn thiện, đúng đắn đến mấy cũng có ý kiến trái chiều hoặc không đồng tình. 

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ban hành bị phản ứng dữ dội, hàng chục năm có những người không đội mũ nhưng ta vẫn kiên quyết làm. Việc tinh giản biên chế ai cũng đồng tình, nhưng khi động đến con cháu mình thì lại phản ứng dữ dội.

Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn để tạo đồng thuận cao, mọi trở ngại sẽ qua, người lao động sẽ đồng tình với luật”, ông Khanh thuyết phục.

Cho rút rồi lại cho nộp lại

Lập luận dẫn quyết định 176 của ĐB tỉnh Hải Dương khiến ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phản bác. Ông cho rằng, quyết định 176 chỉ dành cho một số cán bộ kháng chiến khác với trường hợp hiện nay.

“Tôi nghĩ đưa trường hợp này để thuyết phục về điều 60 là không đúng. Vì lúc đó chính sách khác, đối tượng khác”. Ông Minh đồng thời cho rằng việc lấy con số hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm để trả cho gần 1,5 triệu người cao tuổi để tranh biện về sự thiệt thòi của việc nhận BHXH một lần là không phải. Vì đây là chính sách cho người cao tuổi.

{keywords}
ĐB Ngô Văn Minh: Cần sửa điều 60 để người lao động thêm lựa chọn, vài năm sau cho họ được quyền nộp lại BHXH, như cho nghèo vay không lãi
Vì lợi ích của nhân dân, của người lao động, "dù thiểu số cũng phải sửa”, ĐB Minh nhấn mạnh cần sửa điều 60 để người lao động thêm lựa chọn có thể rút tiền giải quyết những việc trước mắt. Tuy nhiên, để cho họ vài năm sau được quyền nộp lại số tiền đó để được hưởng. "Giống như cho người nghèo vay không lãi" - ông gợi ý.

Nghe vậy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề có phải tất cả người lao động nhận BHXH một lần đều hoàn toàn khó khăn và số tiền nhận bảo hiểm một lần trước mắt có giải quyết được khó khăn?

Trong tổng số hơn 2,3 triệu hưởng BHXH một lần, có trên 930.000 người mới làm việc có một năm trở lại nên chỉ được hưởng tối đa 1,5 tháng lương đóng BHXH. 

Trong khi tiền BH được nhận thấp hơn tiền lương thực nhận vì không ít doanh nghiệp lập 2 sổ lương, trong đó lương đóng BHXH bao giờ cũng thấp hơn lương thực hưởng.

“Với số tiền (nhận một lần BHXH) làm sao người lao động giải quyết khó khăn, về quê lập nghiệp?”, ĐB Thúy băn khoăn.

Bà cho rằng điều 60 không sai để phải sửa. “Tốt nhất QH ra nghị quyết cho phép người lao động sau 1 năm nghỉ việc được quyền chọn hưởng BHXH một lần hoặc là bảo lưu đóng BHXH để hưởng lương hưu, giống như việc QH đã ra nghị quyết 77 đưa người nghiện ma tuý không có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vừa rồi”, ĐB kiến nghị.

Điều 60 không sai mà thiếu

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) kể khi tiếp xúc với người lao động, bà ghi nhận không ai nói điều 60 sai mà nói điều 60 còn thiếu.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: Người lao động không nói điều 60 sai mà thiếu

“Dù biết có nhiều chính sách để chăm lo lâu dài cho họ nhưng bậc lương thấp quá mà phải chi tiền gửi con, tiền nhà trọ,… ít nhất là 1 triệu. Vài triệu là cả tài sản mà người lao động làm việc cật lực mới có được. 

Ccòn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động có thể đến với công nhân bất cứ lúc nào. Vì vậy nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải trước mắt là bất đắc dĩ. Cho nên đánh giá điều 60 có lợi hay không có lợi phải xét đến điều kiện cụ thể”, bà Tâm phân tích.

Theo đó, ĐB đề nghị bổ sung một khoản vào điều 60, tức để người lao động "được chọn lựa theo hoàn cảnh" của mình. Nếu chưa sửa được thì đưa vào nghị quyết của QH tiếp tục thực hiện khoản C, điều 55 luật BHXH năm 2006 để người lao động chọn nhận BHXH 1 lần hay để hưởng lương hưu.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng kiến nghị QH nên ra nghị quyết để người lao động được chọn lựa hưởng 1 lần hoặc tiếp tục bảo lưu và chờ đợi sửa luật toàn diện hơn.

Ông Tùng cũng nhắc lại không riêng điều 60 mà trước khi biểu quyết thông qua luật BHXH, ông đã đề nghị chưa thông qua luật này.

“Điều cơ bản nhất của luật BHXH cần sửa là sự phân biệt đối xử đối giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. Điều đó là bất công. Nếu QH thông qua là chúng ta chậm tiến”, ông Tùng nói.

Bởi theo ông Tùng, cùng tốt nghiệp như nhau, làm việc như nhau, đóng BHXH như sau, sau 30 năm đóng BHXH thì người làm việc trong quốc doanh hưởng lương hưu gấp đôi người ngoài quốc doanh, điều đó không thể chấp nhận được.

Thu Hằng - Thúy Hạnh - Ảnh: Minh Thăng