- Bộ Nội vụ mới trình Chính phủ dự thảo quy định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nhìn lại hàng chục năm qua, cứ một nhiệm kỳ mới của Chính phủ sẽ lại có văn bản quy định về các sở ở tỉnh. Điều này cũng giống như mỗi nhiệm kỳ lại nghiên cứu có bao nhiêu bộ và tỉnh, huyện thì có bao nhiêu sở và phòng là vừa.

Xu hướng chung thời gian qua cũng cho thấy số lượng các sở ở tỉnh và phòng ở huyện đã giảm bớt.

Có giảm, nhưng về cơ bản trong con mắt người trong cuộc là lãnh đạo các ngành, các cấp cũng như trong con mắt người dân thì bộ máy vẫn to quá, biên chế vẫn nhiều quá.

Những sở nào sẽ sáp nhập?

Chuẩn bị dự thảo lần này có thuận lợi lớn. Đó chính là Nghị quyết TƯ 6 khóa 12 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả''.

Nghị quyết thể hiện rõ sự đồng thuận của cấp cao nhất trong sắp xếp bộ máy, tạo ra thuận lợi lớn khi triển khai. Nhiều vấn đề đã được xác định rõ, được định hướng trong Nghị quyết.

Nhóm vấn đề thứ nhất được quy định trong dự thảo là có các sở nào.

4 Sở giữ nguyên là TN&MT, LĐTB&XH, Tư pháp, Y tế.

10 Sở tùy các tỉnh tự quyết giữ nguyên hoặc có nhập lại là: Tài chính, KH&ĐT, TT&TT, VH-TT&DL, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Công thương, GD&ĐT, KH&CN.

3 cơ quan tùy tỉnh giữ nguyên hoặc thí điểm nhập là Ban Tổ chức tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Văn phòng UBND với Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh.

Nhóm vấn đề thứ hai là khung số lượng các sở theo 3 phương án.

Theo phương án 1 giảm cả nước được 46 sở, theo phương án 2 giảm được 88 sở.

Về cơ bản, dự thảo đã bám sát Nghị quyết TƯ để cụ thể hóa các vấn đề về tổ chức các sở. Rất đáng hoan nghênh là có sự giảm bớt số lượng các sở theo các phương án và gợi ý sáp nhập một số sở.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ thêm. Trước hết đó là vấn đề có tính tùy nghi của quy định. Mới nghe thì thấy rất hay, đó là tùy.

Theo đó, các tỉnh hoặc giữ nguyên 10 sở hoặc nhập một số sở, ví dụ như Sở KH&ĐT với Sở Tài chính, Sở GTVT với Xây dựng, Sở TT&TT với Sở VH-TT&DL, Sở NN&PTNT với Công thương, Sở KH&CN với GD-ĐT.

Liệu có tỉnh nào lựa chọn nhập một loạt các sở như dự thảo nêu. Thực chất đây là đẩy quả bóng từ TƯ về địa phương, TƯ không quyết cụ thể mà nhường quyền cho địa phương quyết.

Nếu là quy định cứng, bắt buộc thi hành thì dễ cho các tỉnh triển khai, đằng này lại tùy địa phương thì có thể dẫn đến do nhiều lý do nên giữ nguyên là tốt nhất, không động chạm lớn do thay đổi tổ chức, nhất là việc bố trí lại lãnh đạo các sở nếu nhập. Mà nếu vậy cũng không sao vì quy định cho phép tùy cơ mà.

Tương tự như vậy là 3 nhóm cơ quan Sở Nội vụ, Ban Tổ chức; Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra; Văn phòng UBND và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND giữ nguyên hoặc thí điểm sáp nhập.

Vấn đề thứ hai nằm chính ở việc thí điểm nhập cơ quan nhà nước với cơ quan của Đảng (Sở Nội vụ và Ban Tổ chức..). Nghị quyết TƯ 6 khóa 12 có nêu khả năng này theo tinh thần làm thí điểm.

Vì vậy, trước mắt không nên đưa cứng luôn việc thí điểm này vào nghị định, mà nên trao đổi để vài tỉnh đồng ý triển khai việc thí điểm. Sau 2 hoặc 3 năm thí điểm sẽ đánh giá để kết luận.

Xin nhấn mạnh nhập cơ quan kiểu này không đơn giản, lúc nào cơ quan nhập hoạt động với tư cách cơ quan nhà nước và lúc nào là cơ quan của Đảng, phạm vi trách nhiệm đến đâu cũng như địa vị pháp lý, cơ chế tài chính...

Vấn đề thứ ba liên quan tới lập luận nhập các sở theo dự thảo cũng như đặt tên các sở mới do nhập lại.

Nước ngoài sáp nhập thế nào

Nước ta vẫn còn đang trong giai đoạn sắp xếp đi tới ổn định cơ bản bộ máy tổ chức, cho nên lý do để nhập cơ quan này với cơ quan kia thường được tìm ở sự tương đồng giữa các lĩnh vực quản lý mà các cơ quan dự kiến nhập hiện có hoặc có sự liên thông giữa các lĩnh vực đó, ví dụ như ngành giao thông và xây dựng, rồi GD-ĐT và KHCN...

Nhiều nước phát triển hiện bộ máy rất gọn và họ đã qua rồi cái thời đưa ra lý do nhập kiểu “tương đồng”, hoặc “ liên thông” - tức là hết khả năng tìm kiếm các lĩnh vực, ngành tương đồng hoặc liên thông nhau.

Do đó phương châm là nhập cứ nhập, nhiều lĩnh vực cũng chẳng tương đồng hay liên thông gì cả vẫn cứ vào một cơ quan cũng không sao cả.

Chẳng hạn Hàn quốc có Bộ Đất đai, Giao thông và các vấn đề biển. CHLB Đức có Bộ liên bang về Nội vụ, Xây dựng và Quê hương.

Tiếp đến là tên mới cho cơ quan nhập 2 hoặc 3 cơ quan với nhau. Kinh nghiệm một số nước cho thấy kiểu chọn tên đại diện cho cả 2 hoặc 3 cơ quan nhập nhiều khi không khả thi vì tên sẽ rất dài.

Phương án thực thi là đặt tên theo kiểu Vụ I, Vụ II, Sở I, Sở II, rồi kể ra các lĩnh vực mà Vụ, Sở đó phụ trách.

Ví dụ như cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính liên bang Đức có Vụ I phụ trách Chính sách tài chính, Các vấn đề cơ bản của nền kinh tế quốc dân, Chính sách tài chính và tiền tệ quốc tệ; Vụ III phụ trách Hải quan, thuế kinh doanh và thuế tiêu dùng; Vụ V phụ trách Quan hệ tài chính liên bang, Luật nhà nước và Các vấn đề pháp lý....

Đinh Duy Hòa