Bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ với diễn đàn "Giám đốc bệnh viện phải là người như thế nào?" góc nhìn về sự lãng phí nguồn lực bác sĩ khi không làm chuyên môn.

Tôi có một anh bạn trước đây làm việc ở Bộ Y tế. Anh ấy kể, các đối tác nước ngoài khi mới qua làm việc, rất ngạc nhiên "Tại sao ở Bộ Y tế lại có nhiều bác sĩ đến thế?".

Bệnh viện tôi làm trước đây cũng có “truyền thống”, trưởng phòng tổ chức là bác sĩ, thậm chí, trưởng phòng hành chánh quản trị cũng là bác sĩ, nhân viên phòng tổ chức cũng là bác sĩ nốt. 

Những vị trí đó có thực sự cần một bác sĩ đảm nhiệm hay không? Chúng ta có quá nhiều bác sĩ, nên phung phí như vậy, hay đồng lương bác sĩ tệ quá, nên bác sĩ phải làm những công việc có thu nhập cao hơn?

Bác sĩ chỉ làm chuyên môn

Khi sang Mỹ, tôi ngạc nhiên khi thấy các bác sĩ gần như rất ít khi viết lách hay trực tiếp làm công việc liên quan đến hồ sơ. 

Trung tâm DISC của GS Anthony Yeung là một trong các trung tâm hàng đầu thế giới về điều trị cột sống xâm lấn tối thiểu, với số lượng ca mổ cột sống khá lớn, tương đương với một khoa cột sống tương đối lớn ở Việt Nam.

Đó là một bệnh viện không có giường lưu, phục vụ cho 3 trung tâm hoạt động bằng cách chia sẻ thời gian trong ngày. Trung tâm hoạt động từ 9h - 15h. 

Họ có 4 bác sĩ, gồm 1 bác sĩ gây mê và 1 phẫu thuật viên làm việc tuần 5 ngày, một phẫu thuật viên khác làm việc tuần 2 ngày. Bác sĩ tâm lý thì không rõ làm mấy ngày trong tuần.

Hầu như mọi y lệnh của các bác sĩ, bệnh án, tường trình phẫu thuật… đều đọc vào máy ghi âm. Có người đánh máy lại. Bác sĩ chỉ xem lại rồi ký tên. 

{keywords}
TS.BS Võ Xuân Sơn (ngoài cùng bên trái)

Khi tôi thắc mắc, tại sao các bác sĩ không tự mình viết hồ sơ, bệnh án, thì được trả lời: "Lương bác sĩ mấy trăm đô la một giờ, những việc chỉ cần trả 20 USD/giờ thì tại sao lại để cho bác sĩ làm?".

Một lần, tôi đến chơi nhà một người Việt quen ở California. Em của anh ấy làm tổng giám đốc (general manager) một bệnh viện khá lớn của khu vực. 

Trong câu chuyện, tôi hết sức ngạc nhiên khi biết thu nhập của anh ấy thấp hơn rất nhiều so với các bác sĩ trong bệnh viện mà anh ấy quản lý, thậm chí thua cả điều dưỡng trưởng.

Khi đi thăm một bệnh viện ở Úc, tôi được họ giới thiệu rằng họ có 6.000 nhân viên. 

Khi hỏi trong số nhân viên có bao nhiêu bác sĩ, họ trả lời rằng bác sĩ không thuộc về nhân viên của bệnh viện. Họ là những người tự do, ký hợp đồng với bệnh viện này một vài ngày hay một vài buổi trong tuần, ký với bệnh viện khác một số buổi khác.

Như vậy, đối với nhiều bệnh viện ở các nước tiên tiến, bác sĩ là vốn quý, phải để cho họ làm chuyên môn. 

Quản lý bệnh viện phải là bác sĩ giỏi: Nhầm lẫn

Quản lý bệnh viện thực chất là công việc điều phối các hoạt động, nhằm phục vụ cho các bác sĩ và nhân viên chuyên môn y khoa khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ngay cả đối với những bệnh viện mà bác sĩ giỏi là người đứng đầu, thì người bác sĩ đó chỉ giữ vai trò là người vạch ra chiến lược phát triển, công việc điều hành được CEO và các giám đốc tài chính, kinh doanh, marketing… đảm nhiệm. Bác sĩ giỏi vẫn phải làm cái việc mà ông ta giỏi.

Một số người cho rằng, người quản lý các bệnh viện cần phải là bác sĩ giỏi, để có thể quy tụ được các bác sĩ. Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn ở đây.

Quản lý bệnh viện khác với thủ lĩnh. Nếu bạn cần thủ lĩnh, bạn có thể tìm một vị trưởng khoa đủ sức làm cho bạn mến phục. 

Một ông giám đốc có giỏi chuyên môn đến đâu thì cũng chỉ có thể là thủ lĩnh của một nhóm nhỏ cùng chuyên ngành với ông mà thôi.

Còn nếu ông ta trở thành thủ lĩnh của nhiều người thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, thì hoặc là thủ lĩnh trên bàn nhậu, hoặc là thủ lĩnh của một phe nhóm nào đó.

Giám đốc nghỉ hưu, bác sĩ đâu có nghỉ việc?

Chúng ta mong muốn làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… hay chúng ta tự hào về bệnh viện của mình, tất cả đều là do thương hiệu và y hiệu của bệnh viện, hoàn toàn không phải vì ông giám đốc “dễ thương” nào đó.

Khi ông giám đốc nghỉ việc hoặc về hưu, các bác sĩ đâu có nghỉ việc vì ông. Các bác sĩ chỉ nghỉ khi giám đốc mới không bảo đảm quyền lợi cho họ. Hoặc là ông ta vơ vét hết, hoặc quản lý quá tệ, dẫn đến thu nhập quá kém, môi trường làm việc không thể phát huy được…

Giám đốc thực chất chỉ là người điều phối hoạt động, tạo điều kiện cho các bộ phận làm việc với chất lượng cao, công suất lớn. 

Đối với ngành y, giám đốc là người sử dụng nguồn lực của bệnh viện tạo ra một dịch vụ y tế tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho bệnh nhân với chi phí hợp lý, mang lại thu nhập cho nhân viên, nâng cao thương hiệu và y hiệu của bệnh viện.

Nếu cứ nhất định phải là bác sĩ giỏi chuyên môn, liệu có bao nhiêu giám đốc có thể làm được những việc trên?

Theo bạn, giám đốc bệnh viện phải là người như thế nào: một nhà quản lý giỏi hay một giáo sư, tiến sĩ? Hãy chia sẻ tới banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết thú vị sẽ được đăng tải.

BS Võ Xuân Sơn