Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật” phản ánh việc một số người dân bị kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề xây dựng luật về đặc khu và an ninh mạng đã tham gia tuần hành, tụ tập trái phép.

XEM CLIP:

Sau khi báo đăng, nhiều ý kiến của ĐBQH, chuyên gia pháp luật, kinh tế và bạn đọc. Các ý kiến đồng tình với việc góp ý, kiến nghị xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhưng cũng lên án hành vi lợi dụng, núp bóng, nhân danh lòng yêu nước để xuyên tạc, chia rẽ, chống đối, vi phạm pháp luật. Những hành vi đó cần được xử lý nghiêm minh, giữ gìn kỷ cương phép nước. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến gửi về tòa soạn.

Ông HUỲNH THANH CẢNH, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Sẽ điều tra, xử lý nghiêm minh

Theo dõi thông tin Báo Quân đội nhân dân phản ánh, tôi rất đồng tình với quan điểm phải bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo nhưng cũng cần phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong sự việc người dân tuần hành tại Bình Thuận ngày 10-6, có một số đối tượng côn đồ, quá khích tiến vào đập phá trụ sở UBND tỉnh và các trụ sở bên cạnh, ném đá làm vỡ kính, đốt xe ô tô, gây xô xát ảnh hưởng đến trật tự, trị an khu vực, gây cản trở giao thông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, manh động, quá khích của các đối tượng côn đồ. Việc này, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra để xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, kích động, không thể khoan nhượng, không để tái diễn tình trạng này. Cử tri và nhân dân Bình Thuận nếu có ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt thì cứ phản ánh, Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, xem xét. Việc thể hiện ý kiến cần chuẩn mực, tỉnh táo, đừng để lòng yêu nước bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. HÀ DUY (ghi)

Bà NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quốc hội luôn thận trọng, lắng nghe 

Sáng 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và Quốc hội đã thống nhất lùi thời hạn thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với tỷ lệ tán thành rất cao. Điều đó thể hiện Quốc hội, các đại biểu Quốc hội rất thận trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời thể hiện các hoạt động của Quốc hội cũng được cử tri và nhân dân quan tâm. Ngay sau đó, trong giờ giải lao của Quốc hội, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đúng như Báo Quân đội nhân dân đề cập trong bài viết "Bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật”, việc người dân quan tâm đến các vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những dự án luật có ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội là thể hiện trách nhiệm của công dân, của người dân với sự phát triển của đất nước. Điều đó là chính đáng. Tuy nhiên, việc thể hiện mong muốn, nguyện vọng không nên gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân, cộng đồng. Chẳng hạn, việc người dân tụ tập ngày 10-6 gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn, nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất... là điều không nên và rất đáng tiếc. Có rất nhiều kênh để cử tri, nhân dân phản ánh, kiến nghị, như qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua các tổ chức chính trị, đoàn thể… Ngoài ra, người dân khi có chính kiến có thể trực tiếp gửi tới đại biểu Quốc hội do mình bầu ra hoặc gửi tới các cơ quan dân nguyện, dân vận. Từ trước tới nay, các kênh tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân đều hoạt động tích cực. THÙY LÂM (ghi)

Chuyên gia kinh tế, TS NGUYỄN MINH PHONG: Yêu nước nhưng không để bị lôi kéo, kích động chống phá

Bất kỳ công dân nào cũng có quyền biểu đạt những nguyện vọng và ý kiến của mình về mọi vấn đề của quốc gia. Nhưng mọi biểu đạt của người dân phải đặt trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Tôi đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân, không chấp nhận việc tuần hành, tụ tập trái pháp luật.

Việc người dân biểu đạt ý kiến không đồng ý với đề xuất của cơ quan chức năng một số vấn đề trong Dự án Luật về đặc khu cũng là phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này đã được Quốc hội tiếp nhận để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu những hành vi quá khích mà gây ảnh hưởng tới tài sản của công thì đều không đúng, cần hết sức cẩn thận để tránh dẫn đến vi phạm pháp luật. 

Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên bị ai đó xúi giục dẫn đến từ phản đối dự án luật thành một mục tiêu khác cực đoan đập phá, chống người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông, thậm chí gây bạo loạn mất kiểm soát. Nếu đập phá thì chính người dân cũng bị ảnh hưởng tới sinh kế, tới đời sống, an ninh an toàn của chính mình. Đây là điều mà người dân cần hết sức cảnh giác. Nhà nước cũng cần tích cực giải thích để người dân hiểu rõ những vi phạm. Lực lượng chức năng phải tìm đúng đối tượng là chủ mưu lôi kéo để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật. HOÀNG NHƯỠNG (ghi)

PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự: Phải nghiêm trị những hành vi "tát nước theo mưa"

Mấy ngày qua theo dõi mạng xã hội và dư luận trong nước, tôi thấy một số người dân ở vài nơi hô hào, tụ tập nhau “biểu tình” để phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng. Tôi được biết Quốc hội đã quyết định dừng thảo luận để các cơ quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của dư luận và nhân dân, nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm khoa học, khách quan, toàn diện, phù hợp với thực tiễn của đất nước và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Như vậy, về mặt pháp lý là dự luật đang trong giai đoạn nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Thế nhưng mấy ngày qua, đã xảy ra việc người dân ở một số địa phương bị kích động (trong đó không loại trừ có một số phần tử cơ hội về chính trị, lợi dụng sự việc này để chống phá) tham gia tuần hành, tụ tập, gây mất trật tự an toàn xã hội. Trong đó, một số đối tượng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tôi đồng tình với nội dung bài báo "Bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật” của Báo Quân đội nhân dân. Cùng với đó, các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm minh những kẻ tát nước theo mưa, không để chúng lợi dụng, phá hoại.

Mỗi người dân, trước khi tham gia vào một sự việc nào đó, cần phải tìm hiểu thật kỹ xem cốt lõi vấn đề. Tuyệt đối không thể hành động theo kiểu “tâm lý đám đông”, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật và vô tình tiếp tay cho những kẻ cơ hội, các đối tượng tội phạm. TRẦN VŨ (ghi)

Trung tá, ThS KHUẤT VĂN TRƯỜNG, Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn: Đóng góp đúng luật và cảnh giác trước những âm mưu xấu

Dưới góc độ là người nghiên cứu và giảng dạy pháp luật nhiều năm, tôi thấy quy trình làm luật ở Việt Nam hiện nay về cơ bản khá chặt chẽ, bảo đảm hội tụ đầy đủ các điều kiện, yêu cầu cần có của một văn bản luật. Quy trình ban hành văn bản luật ở Việt Nam theo quy định từ mục 1 đến mục 6, Chương III, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bao gồm 6 giai đoạn cơ bản như: Giai đoạn 1, lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giai đoạn 2, soạn thảo luật, pháp lệnh; giai đoạn 3, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh (tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định); giai đoạn 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án luật; giai đoạn 5, thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án luật, pháp lệnh và giai đoạn 6 là công bố luật, pháp lệnh. Trong đó, quan trọng nhất là giai đoạn 2, về công khai lấy ý kiến nhân dân nhưng dường như ít khi người dân quan tâm và tham gia ý kiến đối với dự thảo luật được đăng tải công khai lấy ý kiến theo quy định tại Điều 57.

Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo Khoản 1, Điều 110 Hiến pháp 2013 tương đương cấp huyện thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập trong đó quy định hai vấn đề cơ bản: Cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội và có tổ chức đặc biệt về chính quyền địa phương, cơ quan khác của Nhà nước. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã được soạn thảo. Sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến dự luật này đã chỉnh sửa và còn tiếp tục được chỉnh sửa theo ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Đối với Dự án Luật An ninh mạng là dự luật được các chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay và những tác động bất lợi, đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng. Theo tôi, Dự luật An ninh mạng là cần thiết, không chỉ tạo ra quy định pháp lý căn bản để phòng, chống với các cuộc tấn công mạng mà vấn đề này biện pháp kỹ thuật không thể xử lý được một cách triệt để. 

Theo dõi thông tin trên Báo Quân đội nhân dân về việc một số đối tượng lợi dụng để kích động vừa qua, tôi mong muốn người dân cần phải bình tĩnh, tỉnh táo trước mọi thông tin, nhất là các thông tin không chính thống bị cắt, gọt, thêm, bớt với các luận điệu sai trái dễ kích động. Một số đối tượng lợi dụng quy trình làm luật hiện nay để kích động-tức chỉ bới móc, kích động ở giai đoạn 5 còn ở giai đoạn 2 (lấy ý kiến nhân dân rộng rãi) thì chúng lại không kích động, không đóng góp. Do đó, điều quan trọng nhất là mọi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong nghiên cứu, đóng góp dự thảo luật đúng với quy trình làm luật và đặc biệt, cảnh giác trước những thông tin có tính chất kích động biểu tình, tụ tập gây rối. KIM DUNG (ghi)

Nhà văn ĐỖ HÀN, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam): Yêu nước để đất nước tốt hơn

Bày tỏ lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng, là bổn phận cao cả của mỗi người dân đất Việt. Có nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước, ví như các văn nghệ sĩ sáng tác văn chương, nghệ thuật để ngợi ca tình yêu Tổ quốc, tri ân các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Thầy giáo đứng trên bục giảng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa, giá trị của tinh thần yêu nước. Các cán bộ Đoàn, Đội, hội sinh viên tổ chức, hướng dẫn đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp phần mang ánh sáng văn hóa về đồng bào miền núi biên giới, vùng sâu, vùng xa… Giá trị sâu sắc nhất của tinh thần yêu nước hiện nay là mỗi người dân thể hiện rõ bổn phận, trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ quốc thông qua việc thực hiện tốt công việc, chức trách, nhiệm vụ của bản thân.

Tôi đồng tình với quan điểm Báo Quân đội nhân dân nhiều lần đề cập, việc một bộ phận người dân nghe theo kẻ xấu và những phần tử quá khích lôi kéo rồi tự ý bỏ bê công việc lao động, sản xuất, học tập… để đi tuần hành, tụ tập đông người, tạo sức ép không đáng có với chính quyền, thậm chí gây rối an ninh tình hình chính trị, an toàn xã hội, không chỉ là hành vi đi ngược lại tinh thần yêu nước chân chính, mà còn là việc làm trái đạo lý, phản văn hóa, chà đạp lên nếp sống văn minh của cộng đồng. Tôi mong người dân hãy bày tỏ lòng yêu nước với thái độ thật sự bình tĩnh, sáng suốt, đúng mực nhằm góp phần làm cho đất nước ổn định hơn, phát triển hơn; chứ không nên bộc lộ sự nông nổi, cực đoan để làm rối ren thêm tình hình, tác động xấu đến hình ảnh đất nước và xã hội ta. 

Tây Ninh triệu tập 3 người kích động, xúi giục công nhân nghỉ việc

Tây Ninh triệu tập 3 người kích động, xúi giục công nhân nghỉ việc

Công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã triệu tập Huỳnh Thanh Phong; Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Tấn Dũng để giáo dục, tuyên truyền, cam kết không tái phạm.

Vụ gây rối ở Bình Thuận: Nhận diện những người quá khích

Vụ gây rối ở Bình Thuận: Nhận diện những người quá khích

Phần lớn đối tượng gây rối là thanh thiếu niên hiếu kỳ, say rượu, nghiện ngập… bị xúi giục kích động, hoặc cho tiền để quậy phá.

QH kêu gọi đồng bào đoàn kết, sống và làm việc theo pháp luật

QH kêu gọi đồng bào đoàn kết, sống và làm việc theo pháp luật

Quốc hội kêu gọi đồng bào cử tri cả nước đoàn kết, thống nhất, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, sống và làm việc theo pháp luật.

TP.HCM: Khởi tố đối tượng phá rối an ninh, kích động xuống đường

TP.HCM: Khởi tố đối tượng phá rối an ninh, kích động xuống đường

Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM đã khởi tố 1 đối tượng can tội “phá rối an ninh”.

Tố giác đối tượng kích động tụ tập sẽ được khen thưởng

Tố giác đối tượng kích động tụ tập sẽ được khen thưởng

Công an TP Cần Thơ kêu gọi người dân tố giác các đối tượng cầm đầu, kích động đình công, tụ tập đông người. 

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về tình hình an ninh trật tự

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về tình hình an ninh trật tự

Thủ tướng họp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai các giải pháp nhằm không để tái diễn tình trạng mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Công an Hà Nội: Không chấp nhận hành vi đốt phá như ở Bình Thuận

Công an Hà Nội: Không chấp nhận hành vi đốt phá như ở Bình Thuận

Đại diện Công an Hà Nội nhấn mạnh: Không thể chấp nhận hành vi đốt phá như ở Bình Thuận và các địa bàn khác.

Người quá khích ở Bình Thuận lại gây rối, đốt xe cảnh sát

Người quá khích ở Bình Thuận lại gây rối, đốt xe cảnh sát

Phó bí thư Huyện ủy Tuy Phong, Bình Thuận cho biết các đối tượng quá khích đã chiếm trụ sở đội cảnh sát PCCC, đốt cháy 8 ô tô.

Theo Quân đội nhân dân