- Hà Giang sẽ nỗ lực cùng ngành chức năng có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các anh hùng liệt sỹ và các cựu chiến binh tham gia chiến tranh biên giới mặt trận Vị Xuyên 1979 - 1989.

Tượng đài trong lòng dân

Theo Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tại mặt trận Vị Xuyên tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng là một cuộc chiến hào hùng, quả cảm của quân và dân ta.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (trái) và Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn tại lễ khánh thành Nhà hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngày 25/6/2016

Ngoài 9 sư đoàn quân chủ lực thuộc Quân khu 2 trực tiếp tham gia chiến đấu, còn có 12.000 dân công hỏa tuyến cùng 20.000 dân quân tỉnh Hà Giang tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm… để xây dựng phòng tuyến biên giới chống lấn chiếm.

Đối với các liệt sỹ đã hy sinh, riêng Sư đoàn 356 là đơn vị bị tổn thất nặng nề nhất, với 592 chiến sỹ hy sinh trong trận chiến đấu ngày 12/7/1984.

Tại điểm cao 685, khoảng 1.200 chiến sỹ anh dũng hy sinh.

Trong số các liệt sỹ đã được quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên của Sư đoàn 356, quá nửa là liệt sỹ vô danh.

{keywords}
Đài tưởng niệm nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên 

Toàn chiến dịch, tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang giai đoạn 1979 - 1989, hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương. Vẫn còn 2.000 liệt sỹ đang nằm lại chiến trường.

Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết: "Ban Bí thư đã đồng ý cho Hà Giang phối hợp với các bộ ngành tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang cấp quốc gia và xây dựng cụm tượng đài chiến thắng.

{keywords}

Ban liên lạc hội bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh ngày 25/6

Hà Giang cũng có chủ trương lập dự án khu di tích lịch sử Tây sông Lô - Bắc Vị Xuyên để ghi nhận công lao của các đơn vị từng chiến đấu tại nơi này".

Theo ông Sơn, Hà Giang đã lên chủ trương, kế hoạch phối hợp với các bộ LĐ-TB&XH, KH-ĐT… để triển khai trong thời gian tới.

Một trở ngại lớn, đó là việc giải quyết chế độ chính sách chứng thương, chứng tử… của nhiều liệt sỹ, cựu chiến binh chưa hoàn thành, do thất lạc giấy tờ của các cá nhân và do các đơn vị đã giải thể.

Ông Hoàng Thế Cương (Phó Ban tác chiến Sư đoàn 356, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 356) cho biết, hầu hết các sư đoàn tham gia trực tiếp chiến đấu tại Hà Giang giai đoạn 1979 - 1989 sau đó đều đã giải thể.

Vướng mắc thủ tục vay vốn hỗ trợ gia đình chính sách

Nhiều gia đình cựu chiến binh có nhu cầu vay vốn hỗ trợ để sửa chữa, xây dựng nhà.

Riêng thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) có hơn 20 hộ gia đình cựu chiến binh. Mỗi trường hợp làm nhà mới được hỗ trợ 40 triệu, sửa chữa 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về giấy tờ thất lạc, hoặc có giấy tờ nhưng không có đơn vị xác nhận (do đã giải thể) nên việc giải quyết chế độ này còn rất chậm. 

Mới có khoảng 1/3 trong số này được vay vốn.

(Ông Hoàng Thế Cương, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 356)

Tại Hà Giang, các sư đoàn 356, 313, 314; các sư đoàn 345, 355 bên Lào Cai; Trung đoàn 247, 877… đã giải thể từ sau năm 1989. Chỉ còn Sư đoàn 313 chuyển thành Đoàn kinh tế Quốc phòng 313 tại cửa khẩu Thanh Thủy. Tuy nhiên, đơn vị này không có quyền hạn, chức năng xác nhận chứng thực giấy tờ cho các cựu binh.

Trong khi đó, theo quy định, việc giải quyết chế độ chính sách cần có sự xác nhận của các đơn vị cũ.

Ông Nguyễn Đức Cam (Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Sư đoàn 356) thông tin: Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đang rà soát, thống kê tại các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Giang… để có con số thất lạc giấy tờ, hoặc có giấy tờ nhưng chưa có đơn vị xác minh lý lịch. 

Từ đó, có phương án trình Bộ LĐ-TB&XH tìm cách giải quyết; kiến nghị tặng thưởng, truy thưởng huân - huy chương cho các thương binh liệt sỹ.

“Đó là nguyện vọng chung của đồng đội. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sẽ sớm có phương án giải quyết cho anh em” - ông Cam chia sẻ.

{keywords}

Hàng trăm người ủng hộ xây dựng Nhà hương tưởng niệm trên đồi 468

Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho hay, trong buổi ra mắt Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, tỉnh đã có ý kiến với Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, Chủ tịch danh dự Ban Liên lạc về phương án, sẽ rà soát danh sách các chiến sỹ tham gia mặt trận.

“Quân khu 2 căn cứ trên danh sách này để xác nhận hồ sơ, từ đó giải quyết chế độ chính sách cho các liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh. 

Đối với gần 2.000 liệt sỹ vẫn chưa được quy tập, Hà Giang sẽ phối hợp với các bộ ngành tiến hành rà soát bom mìn, quy tập hài cốt, giám định mẫu ADN để xác định danh tính” - Chủ tịch Hà Giang nói.

Cựu chiến binh đầu tư xây dựng Hà Giang

Ngày 23/7, Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã trao quyết định đầu tư dự án công viên nước Hà Phương cho cựu chiến binh Lê Duy Hảo - Giám đốc công ty Sông Lô.

"Chúng tôi muốn tri ân người dân đã che chở các đồng đội tham gia chiến dịch. Chúng tôi cũng muốn tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Các anh đã bảo vệ mảnh đất này, thì những người còn sống như chúng tôi, sẽ có trách nhiệm xây dựng mảnh đất này" - ông Lê Duy Hảo xúc động.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (phải) trao quyết định đầu tư cho cựu chiến binh Lê Duy Hảo 

Kiên Trung