- Nhiều bệnh viện vừa mới được lên hạng 2 vài tháng lại xin xuống hạng 3 vì than không có bệnh nhân.

Tuyến trên ế bệnh nhân

Sau hơn nửa năm lên hạng bệnh viện (BV) từ hạng 3 lên hạng 2, lượng bệnh nhân đến khám BHYT tại BV Da liễu và BV Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai sụt giảm đến 90%, có nguy cơ phải đóng cửa.

Tại BV Da liễu Đồng Nai, nếu trước đây mỗi tuần tiếp nhận 1.000 bệnh nhân thì con số này hiện chỉ còn 50 người/tuần.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, do thông tư 40 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/1/2016 thay đổi quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và cho thông tuyến BHYT tuyến huyện nên những bệnh viện này chỉ còn được tiếp nhận khám chữa BHYT cho các bệnh nhân từ tuyến huyện chuyển lên. Trong khi tuyến huyện rất ít chuyển.

{keywords}
Nhiều bệnh viện muốn xin xuống hạng vì ế ẩm bệnh nhân nhưng số khác muốn trục lợi BHYT

Hay như tại Nghệ An, hàng loạt bệnh viện có cơ sở hiện đại đã được xếp hạng 2 (năm 2015) thì đến đầu năm nay lại xin xuống hạng và được Sở y tế chấp thuận. Đó là BV Đa khoa Cửa Đông, BV Quốc tế Vinh, BV 115 Nghệ An, BV Mắt Sài Gòn - Vinh, BV Đa khoa Thái An, BV Đa khoa Phủ Diễn, BV Đa khoa Thành An - Sài Gòn...

Lý giải sự xin xuống hạng ồ ạt này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trước đây quỹ BHYT chi trả tiền công khám, ngày giường theo hạng bệnh viện, hạng 2 cao hơn hạng 3 nên các bệnh viện đầu tư để được lên hạng.

Giờ theo quy định mới, giá các dịch vụ kĩ thuật tại các hạng bệnh viện là như nhau, đặc biệt đã cho khám thông tuyến với tuyến huyện (chưa thông tuyến tỉnh) nên các bệnh viện muốn xin xuống hạng 3 để thu hút được nhiều bệnh nhân hơn để tăng nguồn thu do "nguồn sống" chính của các bệnh viện hiện nay đều từ quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân có thẻ.

Tuy nhiên qua rà soát, BHXH phát hiện một bệnh viện xuống hạng tại Nghệ An đã trục lợi quỹ BHYT, gia tăng lượng người khám thông tuyến bằng mọi cách để tăng chỉ định xét nghiệm, chụp X-quang... Chỉ định chụp MRI đối với bệnh nhân từ huyện khác cao gấp 7 lần người tại địa phương.

Các bệnh viện hiểu nhầm

Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết đã nắm được tình hình cũng như nguyện vọng của nhiều bệnh xin xuống hạng.

Tuy nhiên ông Khảm cho rằng các bệnh viện đang hiểu chưa đúng quy định, có sự hiểu nhầm giữa phân hạng và phân tuyến bệnh viện. Thông tư 40 chỉ áp dụng cho phân tuyến bệnh viện.

Cụ thể, các cơ sở y tế nhà nước được phân thành 4 tuyến: tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương. Tuyến này khác với tuyến chuyên môn kỹ thuật- được xây dựng trên hạng bệnh viện gồm các hạng từ 1-4.

"Bệnh viện tuyến huyện nhưng có thể là hạng 1, hạng 2, trong khi bệnh viện tuyến tỉnh cũng có thể là hạng 2, hạng 3. Việc phân hạng là để đánh giá chuyên môn kỹ thuật, chứ không phải tuyến bệnh viện", ông Khảm nhấn mạnh.

Theo ông Khảm, nếu có chuyện xin xuống hạng thì chỉ xảy ra ở bệnh viện tư nhân vì chưa có quy định phân tuyến cho bệnh viện tư nhân.

"Với các bệnh viện công, việc xếp hạng do các cơ quan có thẩm quyền quyết định, căn cứ vào quy mô hoạt động, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất, năng lực và điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của cơ sở đó nên không thể thích lên hay xuống cũng được", ông Khảm khẳng định và cho biết, việc xin xuống hạng sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện, làm giảm sức hút đối với người bệnh.

Với các bệnh viện có nguyện vọng xin xuống, Bộ Y tế sẽ kiểm tra lại số lượt khám của toàn bệnh viện trước và sau khi áp dụng thông tư mới.

Ông Khảm cho rằng, các nội dung trong thông tư 40 nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở tuyến trên, giảm các chi phí không cần thiết đối với người tham gia BHYT và quỹ BHYT, tạo điều kiện để các bệnh viện tuyến trên tập trung phát triển dịch vụ, kĩ thuật cao.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ông Khảm cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh, bước đầu chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, giúp các cơ sở y tế tuyến dưới trong việc chẩn đoán, đánh giá, xác định chính xác tình trạng bệnh lý để chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật kịp thời theo đúng quy định, tránh tình trạng giữ bệnh nhân gây ảnh hưởng tới quyền lợi.

T.Hạnh