- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu tình trạng thực hiện quy hoạch không nghiêm tạo ra việc nhà đầu tư, chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan nhà nước. 

"Đừng để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh quy hoạch", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Xây dựng sáng nay.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Trong 6 vấn đề Thủ tướng giao Bộ trưởng truyền đạt tại buổi làm việc có việc thẩm định, kiểm tra xử lý xử phạt các dự án thi công.

Theo Bộ trưởng, trước đây việc trên thuộc các sở Xây dựng, nhưng bây giờ Bộ "tạo ra cái gì đó" để xảy ra tình trạng xếp hàng lên Bộ.

“Điều này gây tốn kém, lãng phí và gây khó khăn trong triển khai. Điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ. Đề nghị Bộ hết sức quan tâm gấp rút sửa cái này. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu không làm được sẽ kéo theo nhiều vấn đề”, ông nói.

Phân cấp, mạnh không bao cấp, ôm đồm

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, bộ phải mạnh dạn phân cấp, không bao cấp ôm đồm. 

Trong các vấn đề nêu, Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng tham mưu giúp CP liên quan văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh để điều chỉnh, sửa đổi sát thực tiễn cuộc sống.

Thủ tướng yêu cầu Bộ sớm trình CP sửa đổi Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

"Đây là rào cản. Khi triển khai Nghị quyết số 60 của CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, hiện nay các bộ, địa phương đều nói do thủ tục xây dựng tại nghị định.

Do quy định của chúng ta dẫn đến rất chậm trễ trong giải ngân, làm các thủ tục rất khó khăn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng giải trình vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng và quản lý xây dựng.

“Trong thực tiễn tổ chức thực hiện quy hoạch, chúng ta không nghiêm, tạo ra việc nhà đầu tư, chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan nhà nước. Nhất là việc địa phương không biết mà nhà đầu tư làm hết”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến vấn đề nhà ở, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2017. Thủ tướng đề nghị Bộ quan tâm đặc biệt đến quy hoạch nhà ở khu đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm, xây quá nhiều nhà cao tầng gây phá vỡ quy hoạch.

Ngoài ra, tiến độ cổ phần hoá DNNN tốt nhưng có 2 điểm còn tồn tại rất lớn là tỷ lệ DN sau cổ phần công khai, minh bạch trên thị trường rất thấp và tỷ lệ thoái vốn nhà nước trong các DNNN...

Rất đụng chạm nên sửa khó

Liên quan đến 4 nhiệm vụ CP và Thủ tướng giao nhưng Bộ để quá hạn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Dũng lưu ý đến việc sửa đổi Nghị định 59. "Cứ đá lên đá xuống thì tiếp thu kiểu đó không bao giờ được, cái gì vướng mắc phải giải quyết tại chỗ. Tại sao không, tại sao có, Bộ cần giải trình ngay để trình Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

{keywords}

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Giải trình, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, việc sửa đổi nghị định này đã được các cơ quan tham mưu của bộ khẩn trương dự thảo, đăng tải công khai và nhận được hơn 120 ý kiến đóng góp.

"Đây là một nghị định khó, rất đụng chạm và có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi việc này buộc các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp lại các ban quản lý các dự án", Bộ trưởng Xây dựng giải thích.

Ông cho biết con số "khủng khiếp" tổng ban quản lý dự án ODA trong cả nước đã là hơn 1.000.

Ông cũng lý giải thêm, ngành xây dựng rất đặc thù nên muốn phân cấp, muốn xây dựng như thế nào đi chăng nữa, cuối cùng vẫn phải đảm bảo chất lượng, chống được tham nhũng, trục lợi.

"Nghị định 59 là Bộ Xây dựng chủ động đề xuất sửa đổi, nên chúng tôi rất tích cực. Còn sự chậm trễ so với yêu cầu của CP là do nội dung của nghị định này có quá nhiều vấn đề", Bộ trưởng Xây dựng nói

Ông cũng khẳng định việc sửa đổi sẽ theo hướng phân cấp rất mạnh mẽ cho địa phương, các bộ chuyên ngành, các tổng công ty và tập đoàn. 

"Lâu nay báo chí cứ nói tại sao ở các địa phương nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn cấp phép dự án, bây giờ sẽ phân cấp cho địa phương cấp phép nhà 25 tầng trở xuống”, Bộ trưởng Hà thông tin.

Ông cũng giải thích thêm, các công trình cao từ 75m trở lên đòi hỏi quy trình rất khắt khe để đảm bảo an toàn, do đó phải có bộ chuyên ngành thẩm định.

Về phân cấp theo số tiền, Bộ trưởng Xây dựng cho hay, trước phân cấp từ 5 tỉ trở xuống các chủ đầu tư được quyết, bây giờ nâng lên 15 tỉ. 

"Có người nói rằng 15 tỉ là số tiền không nhỏ của ngân sách, cho nên cũng cần thẩm định kỹ. Lần này chúng tôi sửa theo hướng phân cấp cho các chủ đầu tư tự thẩm định, nếu không đủ năng lực thì có thể gửi Bộ Xây dựng thẩm định”, Bộ trưởng Xây dựng nói.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay có tới 22 nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư nhà nước chứ không phải chỉ do thủ tục hành chính.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại viêc đừng để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh quy hoạch.

"Trong số các bộ thực hiện các nhiệm vụ bị quá hạn thì Bộ Xây dựng là thấp nhất. Nếu không vướng Nghị định 59 quá hạn, Bộ Xây dựng sẽ đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng giao", Chủ nhiệm VPCP nói.

Ông mong muốn Bộ Xây dựng làm tốt hơn nữa để tạo chuyển động mạnh mẽ. VPCP sẵn sàng cùng bộ giải quyết các vướng mắc trên tinh thần hiệu quả công việc cao nhất.

'Ông bộ trưởng tôi cũng bộ trưởng, sao phê bình tôi'

'Ông bộ trưởng tôi cũng bộ trưởng, sao phê bình tôi'

Có những bộ có ý kiến: “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi”. Tôi nói: “Tôi không phê bình, tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng".

'Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng'

'Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng'

"Sáng nay, Thủ tướng gọi tôi nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng".

Thu Hằng